Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp như thế nào với cà phê Trung Nguyên
Năm 2015, tạp chí National Geographic Traveller gọi Đặng Lê Nguyên Vũ là "Vua cà phê" để dẫn người đọc vào câu chuyện khởi nghiệp của vị doanh nhân này.
Ít ai biết, Đặng Lê Nguyên Vũ vốn là sinh viên y khoa. Ông theo học ngành y được 6 năm, trước khi bắt đầu cái duyên của mình với cà phê Việt.
Bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời Đặng Lê Nguyên Vũ chính là lúc ông quyết định rời Đại học Y để chuyển sang thu mua cà phê về rang xay, nung nấu quyết tâm tạo dựng thương hiệu cà phê Việt Nam vào năm 1996.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - người được mệnh danh là "Vua cà phê" Việt |
Theo VOV, vào thời điểm đó, Đặng Lê Nguyên Vũ đạp chiếc xe cà tàng của mình tới từng đại lý để thu mua cà phê với ý niệm: Chỉ có chế biến mới tạo nên giá trị.
Tư duy này hiện giờ là phổ biến, nhưng cách đây 18 năm, khi Hãng Cà phê Trung Nguyên ra đời, xuất khẩu cà phê thô vẫn là mục tiêu chính. Thậm chí, ý tưởng chế biến cà phê của Vũ bị kêu là khùng, chứ chưa nói đến tham vọng chế biến cà phê ngon để xuất khẩu.
Ngay cả việc Đặng Lê Nguyên Vũ đặt tên cho doanh nghiệp của mình cũng rất khác, nghe khá ngông, đó là “Hãng cà phê Trung Nguyên”.
Trong tiếng Việt và trong ý niệm của giới kinh doanh nói chung, hãng là một cơ sở to tát, chứ không thể là một căn nhà nhỏ ọp ẹp và chiếc máy rang xay cà phê cũ kỹ công suất thấp như của ông chủ Cà phê Trung Nguyên khi đó.
Trái ngược với những lời bàn tán, không lâu sau, thương hiệu Cà phê Trung Nguyên vượt ra khỏi ranh giới Đắk Lắk. Năm 1998, cuộc đổ bộ rầm rộ, với sức công phá mạnh giúp cà phê Trung Nguyên phủ khắp các ngõ ngách của Sài Gòn, tới từng dân nghiền cà phê.
Đặng Lê Nguyên Vũ tạo ra cách thức để khách hàng tự mình trở thành người sành điệu về cà phê, tự tạo hình ảnh cá nhân qua sự lựa chọn khác nhau trong từng hương vị của cà phê.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ |
Theo Vietnamfinance, cà phê Trung Nguyên nhanh chóng chinh phục được dân cà phê Sài Gòn và trở thành thương hiệu thân thuộc khắp hang cùng, ngõ hẻm. Với việc phát triển mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu, chỉ trong vài năm, số bảng hiệu cà phê Trung Nguyên nhân lên tới hàng nghìn trải dài từ Nam ra Bắc.
Năm 2003, sản phầm G7 ra đời, chính thức đánh dấu bước phát triển mới của Trung Nguyên trong việc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khi lần đầu tiên vượt qua Vinacafe và Nestlé về thị phần.
Thành công nối tiếp thành công, Trung Nguyên cho xây dựng hàng loạt nhà máy cà phê, trong đó nhà máy ở Bình Dương lớn nhất Việt Nam còn nhà máy tại Bắc Giang lớn nhất châu Á.
Danh mục sản phẩm cà phê của Trung Nguyên cứ dài ra mãi, từ cà phê chồn, cà phê rang xay, cà phê hạt nguyên chất đến cà phê tươi, cà phê hòa tan…
Không chỉ xây dựng nhà máy chế biến, Đặng Lê Nguyên Vũ còn cho lập Làng Cà phê Trung Nguyên rộng 20.000m2 và Bảo tàng Cà phê tại Buôn Mê Thuột nhằm biến nơi đây thành thủ phủ cà phê toàn cầu.
Năm 2005, Hãng Cà phê Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, vượt qua tất cả đối thủ nước ngoài. Năm 2008, Trung Nguyên thành lập văn phòng tại Singapore nhằm mục tiêu phát triển thị trường này thành một cứ điểm để mở rộng ra khối Asean và toàn cầu. Tính đến năm 2016, cà phê Trung Nguyên đã có mặt tại 60 quốc gia.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo |
Tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua Cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller.
Vào tháng 8/2012, Tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi “zero to hero” (nhân vật từ vô danh thành anh hùng).
Tháng 11/2012, Đăng Lê Nguyên Vũ là người châu Á duy nhất được mời tham dự Hội thảo “Thiết lập Chương trình nghị sự quốc tế” tổ chức tại Lucerne (Thụy Sĩ) và gây kinh ngạc khi khẳng định “học thuyết cà phê” sẽ thay thế các học thuyết đã gãy đổ.
Tham luận của ông còn được đăng trên cuốn Báo cáo chỉ số hòa bình toàn cầu 2012 và Báo cáo trách nhiệm xã hội doanh nghiệp toàn cầu 2012.
Gần đây ông Đặng Lê Nguyên Vũ tiếp tục nổi đình nổi đám hơn cả với vụ li hôn lùm xùm ầm ĩ, kéo dài với vợ - bà Lê Hoàng Diệp Thảo.