Đại gia chuỗi cá tra biến mất: Các hộ dân kiến nghị giải quyết nhanh
Các hộ dân nuôi cá tra gặp phóng viên báo chí (phải) |
Theo đơn, phương án xử lý nợ được UBND tỉnh thông qua và gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến nay đã hơn 3 tháng, còn kể từ ngày lãnh đạo Tafishco biến mất đã hơn 7 tháng, vụ việc không được giải quyết khiến “tình cảnh của nông dân chúng tôi hết sức khó khăn, không thể tiếp tục tái sản xuất”.
Như báo NNVN thông tin, cuối năm 2016, lãnh đạo Tafishco (Cty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An) biến mất, để lại nợ lớn cho 10 hộ dân tham gia “dự án thí điểm chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco”. Phương án xử lý nợ được UBND tỉnh An Giang kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 31/3/2017, “khoản nợ vay ngân hàng của các hộ nông dân này chuyển sang cho Tafishco nhận nợ và có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng theo dự án chuỗi”. Bởi vì, chuỗi liên kết ra đời theo các quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người dân nuôi cá khi nhận thức ăn cho cá thì ký nợ vay với ngân hàng (doanh nghiệp cung cấp thức ăn do ngân hàng và Tafishco chỉ định), cá thu hoạch giao cho Tafishco để chế biến xuất khẩu, trừ nợ. Quá trình thực hiện, nông dân giao cá nhưng Tafishco chưa trả đủ tiền và cũng chưa trừ nợ ngân hàng, khi lãnh đạo Tafishco biến mất đã để nợ ngân hàng cho các hộ dân.
Theo công văn của UBND tỉnh An Giang, tính đến ngày 28/2/2017, các hộ dân nợ Agribank An Giang 78,430 triệu đồng. Trong đó, nợ gốc quá hạn là 37,7 tỷ đồng. Bên cạnh, Tafishco nợ tiền cá của các hộ dân 62,72 tỷ đồng. Khi chuyển nợ chuỗi liên kết sang cho Tafishco, UBND tỉnh An Giang kiến nghị ngân hàng “trả tài sản sản xuất cho các hộ nông dân” để bà con tiếp tục đầu tư sản xuất.
Đến nay, kiến nghị xử lý nợ của UBND tỉnh An Giang chưa được trả lời nên tài sản của các hộ dân vẫn bị giữ tại ngân hàng. “Thời gian chờ đợi đã quá lâu, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và tinh thần của nông dân chúng tôi”, đơn của các hộ dân viết. Nên các hộ dân kiến nghị “nhanh chóng thúc đẩy các vấn đề đã được thống nhất và thông báo cho chúng tôi được biết tiến trình và kết quả xử lý để chúng tôi được an tâm”.
Quan điểm của UBND tỉnh An Giang, theo Phó Chủ tịch Lê Văn Nưng, “mô hình chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp là mô hình hay”, cần khuyến khích. Việc xử lý nợ ở Tafishco còn có mục đích giúp các hộ nuôi cá giỏi, được trở lại nuôi cá. Bởi vậy, UBND tỉnh đề nghị “bộ ngành trung ương nghiên cứu, xây dựng quy trình cho vay, trả nợ để thực hiện mô hình chuỗi liên kết có hiệu quả, giúp người nông dân an tâm sản xuất, góp phần giải quyết bài toán trúng mùa-mất giá, được giá-mất mùa”.