|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đà Nẵng không thể so với Tokyo khi xây cảng cá

15:16 | 01/03/2018
Chia sẻ
Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng không thể so với Tokyo của Nhật Bản trong chuyện xây dựng cảng cá ở thành phố này.
da nang khong the so voi tokyo khi xay cang ca Phê duyệt quy hoạch Cảng cá gần 200.000 m2 ở Đà Nẵng
da nang khong the so voi tokyo khi xay cang ca Đà Nẵng xây cảng Liên Chiểu giảm tải cho cảng Tiên Sa
da nang khong the so voi tokyo khi xay cang ca Đà Nẵng phát triển 2 cảng Liên Chiểu, Tiên Sa thành cảng cửa ngõ quốc tế
da nang khong the so voi tokyo khi xay cang ca
Cảng cá Thọ Quang bị ô nhiễm nặng nhiều năm vẫn chưa được xử lý dứt điểm - Ảnh: Hữu Khá

Theo ông Nghĩa, Đà Nẵng không thể so với Tokyo của Nhật Bản vì văn hóa giao thương, trao đổi mua bán ở chợ cá Tokyo có cả trăm năm nay rồi.

"Tôi muốn nói định hướng lâu dài cho Đà Nẵng là cái gì. Chứ bây giờ trung ương đầu tư trăm tỉ để xây dựng trung tâm nghề cá nhưng sau này phải xử lý môi trường vài ngàn tỉ, quan trọng hơn là phá vỡ quy hoạch của thành phố", ông Nghĩa nói.

Dự án Trung tâm nghề cá Đà Nẵng đã được phê duyệt vào cuối năm 2017 nằm tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (trên cơ sở nâng cấp mở rộng cảng cá Thọ Quang hiện tại và khu vực lân cận) với diện tích gần 20ha.

Tại cuộc làm việc với quận Sơn Trà, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đà Nẵng, cho rằng theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 67 thì TP Đà Nẵng được chọn để xây dựng một trung tâm nghề cá lớn.

Theo ông Ban, việc chọn Đà Nẵng để xây trung tâm nghề cá là gắn liền với ngư trường Hoàng Sa.

"Ở trung tâm nghề cá sẽ có khu chuyên dùng, hậu cần tổng hợp rồi hình thành cả chợ cá quốc tế, các khu chức năng đặc thù như sửa chữa tàu thuyền, đào tạo nghiên cứu về nghề cá..." - ông Ban nói.

Theo ông Ban, hiện cảng cá Thọ Quang có âu thuyền, có xưởng đóng tàu, có chợ cá...

Về mùi hôi hiện tại, ông Ban cho rằng nguyên nhân từ mấy doanh nghiệp chế biến thủy sản thải ra, khi các doanh nghiệp này bị cơ quan chức năng xử lý, mùi hôi không còn nữa.

"Tôi cho rằng không lo ngại cảng cá nằm trong đô thị, vấn đề ở đây là cách quản lý. Thủy sản đương nhiên có mùi hôi đặc trưng, chúng ta đừng để xảy ra mùi hôi thối là được. Tôi vừa có chuyến đi Nhật, ở đó họ cũng có cảng cá như mình, nó ngay trong thành phố... Nếu chúng ta áp dụng công nghệ hiện đại như ở Nhật thì chắc chắn sẽ không có gì phải lo ngại về ô nhiễm" - ông Ban khẳng định.

"Ai dám chắc không ô nhiễm", ông Trần Chí Cường, phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, đặt câu hỏi khi đề cập về dự án xây dựng trung tâm nghề cá ở Đà Nẵng.

"Cảng cá Thọ Quang hiện đã phát sinh ô nhiễm môi trường nhưng nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm được... Vì vậy, dự án này thành phố hết sức thận trọng để tránh chuyện khi đi vào hoạt động xảy ra ô nhiễm môi trường rồi phải chạy theo để xử lý sẽ rất tốn kém", ông Cường nói.

Ông Trương Quang Nghĩa cho biết trước kia nhiều lãnh đạo Đà Nẵng đã không đồng tình về dự án này, không hiểu sao bây giờ lại đưa dự án này vào làm.

"Bây giờ nếu không tính toán kỹ thì gặp phải xung đột trong phát triển. Chúng ta đã có bài học khi xây dựng cảng Tiên Sa, bây giờ phải chuyển dịch cơ cấu hàng hóa từ vận tải hàng hóa sang du lịch. Chúng ta đặt trung tâm nghề cá ở đó liệu chúng ta có "tiêu" luôn khu vực đó không. Khu vực du lịch Sơn Trà mà có mùi đặc trưng thì chết", ông Nghĩa lo ngại.

Theo ông Nghĩa cần phải lưu ý khi tiếp cận vấn đề bởi khi xây dựng phát triển mà gặp phải vấn đề môi trường thì "sẽ không gỡ nổi".

"Thành phố đã chọn du lịch và công nghiệp sạch để phát triển thì phải đi theo đúng định hướng đó. Chúng ta phải cân nhắc, dựng lên một trung tâm nghề cá có còn phù hợp nữa hay không", ông Nghĩa nói.

Hữu Khá