|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đà Nẵng duyệt danh mục 68 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2017 - 2020

11:37 | 09/08/2017
Chia sẻ
Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2017 – 2020 có các lĩnh vực chủ yếu như giáo dục, đào tạo; y tế; du lịch, dịch vụ, thương mại; công nghiệp công nghệ cao… Dự án có mức đầu tư dự kiến lớn nhất lên đến 62.000 tỷ đồng, còn dự án sử dụng nhiều đất nhất là 50 triệu m2.
da nang duyet danh muc 68 du an keu goi dau tu giai doan 2017 2020
Trong danh mục 68 dự án TP Đà Nẵng kêu gọi đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lớn nhất lên đến 62.000 tỷ đồng, còn dự án sử dụng nhiều đất nhất là 50 triệu m2. (Ảnh minh họa: Linh Lê)

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 4072 (ngày 25/7) phê duyệt danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2017 – 2020. Danh mục này gồm 68 dự án.

Thành phố kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; y tế; du lịch, dịch vụ, thương mại; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ sở hạ tầng; công nghiệp công nghệ cao; môi trường. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao kêu gọi đầu tư nhiều nhất với 22 dự án.

UBND thành phố giao Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan xây dựng tài liệu về các dự án; tổ chức những hoạt động xúc tiến đầu tư; tham mưu UBND thành phố điều chỉnh danh mục phù hợp với tình hình thực tế.

Hầu hết các dự án trong danh mục đều sẽ sử dụng 100% vốn của nhà đầu tư (riêng dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng được khai thác quỹ đất và có nguồn vốn ODA). Nhiều dự án trong số đó dự kiến thực hiện theo hình thức PPP và đến gần một nửa số dự án sẽ do nhà đầu tư đề xuất tổng mức đầu tư dự kiến.

Xét theo tổng mức đầu tư dự kiến, dự án có quy mô đầu tư lớn nhất là 62.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2.700 triệu USD), đó là dự án Hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn trên toàn thành phố. Trong dự án này, ngân sách thành phố sẽ chi 2.600 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ phải góp 59.400 tỷ đồng còn lại. Dự án thực hiện theo hình thức PPP.

Đứng thứ hai là dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng với tổng vốn dự kiến là 15.441 tỷ đồng (678 triệu USD). Dự án thuộc địa bàn quận Liên Chiểu và quận Hải Châu, sẽ thực hiện theo hình thức PPP, khai thác quỹ đất và nhận vốn ODA.

Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.523 tỷ đồng (374 triệu USD), dự án khơi thông sông Cổ Cò của thành phố đứng thứ 3 trong danh sách. Tiếp sau là các dự án như dự án Cảng Liên Chiểu (tổng mức đầu tư dự kiến 7.378 tỷ đồng); dự án sản xuất màn hình có độ phân giải cao tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng (khoảng 6.831 tỷ đồng); dự án sản xuất các bộ vi xử lý, mạch tích hợp và bộ nhớ máy tính (trong và ngoài) có dung lượng cao và dự án sản xuất vật liệu bán dẫn để chế tạo mạch tổ hợp (IC) và linh kiện điện tử chuyên dụng cũng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng (đều khoảng 4.554 tỷ đồng)…

Xét theo diện tích đất sử dụng dự kiến, dự án có quy mô đất lớn nhất là dự án trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn tại huyện Hòa Vang với diện tích đất lên đến 50 triệu m2, tổng mức đầu tư dự kiến 227,7 tỷ đồng.

Tiếp sau là dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh và Khu công nghiệp Hòa Nhơn đều thuộc huyện Hòa Vang với diện tích đất khoảng 4 triệu m2; dự án Công viên Bách Thảo (tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) sử dụng 2 triệu m2 đất; dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) sử dụng hơn 1 triệu m2 đất…

Linh Lê