Đà Nẵng đề xuất 3 phương án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
Ga Đà Nẵng là một trong những ga lớn và hiện đại nhất miền Trung. (Ảnh: Vietstock) |
Theo Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng, thành phố vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất ý kiến để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng.
Trên cơ sở thống nhất trước đó vào tháng 11/2016, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu phân kỳ giai đoạn thực hiện và hoàn chỉnh các phương án đầu tư dự án.
Theo đó trong giai đoạn 1 có kinh phí 3.451 tỷ đồng. Các hạng mục đầu tư là xây dựng tuyến tránh qua trung tâm thành phố dài hơn 18 km; xây dựng nhà ga hành khách mới với để đón, trả khách thay cho khu ga Đà Nẵng hiện tại; xây mới cầu Nam Ô và cầu Quan Nam...
Giai đoạn 1 được đầu tư bằng nguồn vốn trong nước, hiện có 3 đề xuất. Phương án 1 là đầu tư theo hình thức BT bằng quỹ đất tương ứng với giá trị thu được từ khu đất nhà ga cũ khoảng 1.192 tỷ đồng ( ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng). Nhà đầu tư được quyền khai thác quỹ đất tại khu vực nhà ga cũ theo quy hoạch của thành phố, 2.259 tỷ đồng còn lại sẽ kiến nghị Chính phủ đầu tư bằng vốn ngân sách Trung ương (vốn trái phiếu, vốn dự phòng trung ương hoặc ODA…).
Phương án 2 là đầu tư theo hình thức BT kết hợp với hình thức BTL (Xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao). Đầu tư theo hình thức BT bằng quỹ đất tương ứng với giá trị thu được từ khu đất nhà ga cũ khoảng 1.192 tỷ đồng (ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng). Nhà đầu tư được quyền khai thác quỹ đất tại khu vực nhà ga cũ theo quy hoạch của thành phố, phần con lại 2.259 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức BTL.
Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý khai thác, sử dụng; kinh phí chi trả cho nhà đầu tư được trích từ nguồn doanh thu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Thời gian hoàn vốn của dự án là 16 năm.
Phương án 3 là đầu tư theo hình thức BT kết hợp với hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao). Thời gian hoàn vốn của dự án là 22 năm.
Phương án 2 được đánh giá là khả thi với thời gian hoàn vốn dự án khoảng 16 năm, nhà nước không bỏ vốn ban đầu, chủ động trong việc triển khai thực hiện và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn là đơn vị khai thác nên việc quản lý thuận lợi hơn.
Toàn bộ dự án, bao gồm thêm tuyến đường bộ kết nối nhà ga hành khách với quốc lộ 1A, hầm chui dưới ga mới kết nối Đông – Tây, sẽ được đầu tư hoàn chỉnh bằng nguồn vốn vay ODA với mức đầu tư 6.731 tỷ đồng.
Về cơ chế tài chính của phương án này, chi phí đối ứng trong nước chủ yếu là phục vụ công tác giải phóng mặt bằng với kinh phí 2.129 tỷ đồng (bao gồm dự phòng) từ nguồn khai thác quỹ đất khu vực nhà ga cũ và đề nghị Chính phủ cấp.
Chính phủ bảo lãnh cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trực tiếp vay ODA phần còn lại 4.602 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của dự án. Sau khi đầu tư xây dựng xong, Tổng Công ty sẽ được cho thuê khai thác và chi trả kinh phí để hoàn vốn dự án.