|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đà Nẵng chậm thu hồi hàng ngàn tỉ đồng sai phạm

07:19 | 25/04/2017
Chia sẻ
Kết luận thanh tra về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng đã được ban hành từ năm 2012, Thủ tướng đã 2 lần chỉ đạo, song địa phương này vẫn chưa thu hồi về ngân sách hàng ngàn tỉ đồng sai phạm.
da nang cham thu hoi hang ngan ti dong sai pham
Ông Ngô Văn Khánh trả lời tại cuộc họp báo về việc thu hồi sai phạm Đà Nẵng

Tại cuộc họp báo ngày 24.4 về kết quả hoạt động của thanh tra trong quý 1/2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết gần 5 năm trôi qua nhưng UBND TP.Đà Nẵng vẫn chưa thể thu hồi được hàng ngàn tỉ đồng sai phạm cũng như xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo kết luận của TTCP.

Ông Đặng Khánh Toàn, Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra - TTCP, cho biết ngày 2.11.2012, TTCP ban hành Kết luận thanh tra số 2852/KL-TTCP về thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư có các ý kiến trái chiều. Kết luận này đã được Thủ tướng đồng ý và chỉ đạo xử lý theo Văn bản số 1930 của Văn phòng Chính phủ/VPCP-V1 ngày 29.11.2012.

Ngày 29.5.2015, Tổng TTCP có Văn bản 2733/BC-TTCP báo cáo Thủ tướng về kết quả kiểm tra việc thực hiện sau thanh tra với nhiều nội dung kiến nghị của TTCP chưa được Đà Nẵng thực hiện. Đến ngày 6.4.2016, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của TTCP, đồng thời chỉ đạo: “UBND TP.Đà Nẵng và các bộ: Công an, Tài chính, TN-MT, KH-ĐT tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản 1930; báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 5.2016”.

Đến ngày 30.3.2017, UBND TP.Đà Nẵng đã có báo cáo về việc thực hiện kết luận thanh tra. Tuy nhiên, theo TTCP, nhiều nội dung chưa thực hiện nghiêm túc - cụ thể, UBND TP.Đà Nẵng chưa điều chỉnh lại thời hạn sử dụng đất đã giao trái quy định cho 627 trường hợp, trong đó có 514 trường hợp là tổ chức và 113 trường hợp là cá nhân, hộ gia đình.

Đáng chú ý, Đà Nẵng chưa thu hồi về ngân sách thành phố số tiền 1.468 tỉ đồng do tính thiếu diện tích thu tiền sử dụng đất, không tính đủ tiền chuyển mục đích sử dụng đất, kéo dài thời gian cho thuê đất từ 50 năm lên 70 năm, xác định giá thu tiền sử dụng đất khi giao đất thấp hơn bảng giá do thành phố ban hành và giá do Hội đồng thẩm định giá đất thành phố trình.

Đồng thời chưa thu hồi về ngân sách thành phố 867 tỉ đồng là số tiền sử dụng đất đã “ưu đãi” trái quy định cho các nhà đầu tư. Đà Nẵng cũng chưa kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra…

Phải thu hồi đủ

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc vì sao Đà Nẵng chưa thực hiện kết luận của TTCP cũng như chỉ đạo của Thủ tướng, ông Đặng Khánh Toàn cho biết là do các doanh nghiệp, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi trong giao đất tại Đà Nẵng đang gặp nhiều “khó khăn”. “Trong văn bản mới nhất của Đà Nẵng gửi TTCP, Đà Nẵng cho biết có tổ chức cuộc họp và mời các doanh nghiệp, chủ đầu tư tham dự.

Các doanh nghiệp, chủ dự án đều nêu ý kiến khó khăn trong việc thực hiện thủ tục quyền thuê đất và vấn đề tài chính nên đề xuất không nộp thêm tiền sử dụng đất. Họ kiến nghị không thu thêm tiền sử dụng đất”, ông Toàn nói đồng thời khẳng định: “Trong sự việc này, quan điểm của TTCP là rất rõ ràng. Đó là phải tiếp tục thực hiện đầy đủ kiến nghị của TTCP đã được nêu trong kết luận thanh tra và được Thủ tướng đồng ý”.

Kết luận thanh tra cho thấy việc giao đất của UBND TP.Đà Nẵng chủ yếu không thông qua đấu giá và có nhiều sai phạm trong việc quản lý quỹ đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn tới nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất đã không thực hiện đầu tư mà bán cho người khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước khoản tiền 3.434 tỉ đồng.

TTCP sẽ giám sát cuộc thanh tra ở xã Đồng Tâm

Nhiều cuộc thanh tra kết thúc nhưng chậm công bố

Cũng tại cuộc họp báo, Phó tổng TTCP Ngô Văn Khánh cho biết TTCP không tham gia trực tiếp vào cuộc thanh tra việc quản lý đất đai tại xã Đồng Tâm (H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội). Tuy nhiên, TTCP sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, cùng lãnh đạo Hà Nội đảm bảo cuộc thanh tra về quản lý sử dụng đất ở Đồng Tâm diễn ra đúng quy định pháp luật, chính xác, triệt để.

Ngoài ra, ông Ngô Văn Khánh thừa nhận nhiều cuộc thanh tra đã kết thúc nhưng chưa ban hành được kết luận. Trong đó các cuộc thanh tra tại Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC), MobiFone mua cổ phần AVG, đã kết thúc thanh tra trực tiếp nhưng chậm trễ là do có những nội dung cần làm việc nhiều lần với đối tượng được thanh tra để làm rõ một số vấn đề nhằm đảm bảo tính khách quan. Riêng cuộc thanh tra về quản lý đất đai tại tỉnh Khánh Hòa có sự cố ngoài ý muốn là trưởng đoàn thanh tra bị đột quỵ, không thể ký ban hành kết luận.

Đối với cuộc thanh tra về quản lý vốn và tài sản tại Tập đoàn than và khoáng sản VN (KTV) đã kết thúc từ năm 2015 nhưng chậm ban hành là có một số lý do: Cơ quan thanh tra phải làm việc với các bên liên quan, trong đó có các bộ Công thương và Tài chính về một số nội dung rất lớn nhưng hiện còn ý kiến khác nhau về nhận thức pháp luật liên quan quy mô hoạt động của KTV. Ngoài ra việc tính thuế tài nguyên với số lượng hàng ngàn tỉ đồng cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau. “Việc chậm ban hành kết luận thanh tra có vi phạm luật thanh tra hay không và có ảnh hưởng thế nào đến việc xử lý sai phạm cũng như tình hình kinh tế xã hội của đất nước?”. Trả lời câu hỏi này của Thanh Niên, ông Ngô Văn Khánh cho rằng đúng là có chậm so với luật song có nguyên nhân từ khách quan, không phải do cơ quan thanh tra.

Thái Sơn