|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đa dạng gạo làm quà Tết

07:28 | 30/01/2018
Chia sẻ
Khi kinh tế khá lên, người tiêu dùng có xu hướng chi đậm mua gạo chất lượng cao, mẫu mã đẹp.
da dang gao lam qua tet Doanh nhân Phạm Minh Thiện: Người tìm hướng đi mới cho hạt gạo

Gần đây, nhiều loại gạo đặc sản của Việt Nam được các doanh nghiệp (DN) tổ chức sản xuất bài bản và gia tăng giá trị bằng nhiều cách khác nhau để chinh phục người tiêu dùng. Gạo Việt có thương hiệu, đóng gói đẹp mắt đã xuất hiện ở những vị trí trang trọng trưng bày quà Tết chứ không còn là mặt hàng nhu yếu phẩm bao bì đơn giản như trước.

Trộn với tỏi đen, nghệ

Quê ở vựa gạo miền Tây nên mới đây, chị Nguyễn Thị Mai (ngụ quận 1, TP HCM) không khỏi ngạc nhiên khi được người quen tặng quà Tết là gạo. "Đây không phải là gạo thường mà gạo dinh dưỡng trộn với tỏi đen, nghệ được đóng gói rất đẹp mắt. Món quà không chỉ sang mà rất thiết thực vì nhà nào cũng dùng gạo" - chị Mai nói.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), nhìn nhận vào tháng Tết, lượng gạo tiêu thụ tăng hơn ngày thường khoảng 20% do nhu cầu biếu tặng và ai cũng muốn hũ gạo đầy trong những ngày này. Gần đây, người tiêu dùng quan tâm hơn đến gạo an toàn, dinh dưỡng cao, có thương hiệu.

da dang gao lam qua tet
Tháng giáp Tết, lượng gạo tiêu thụ tăng do nhu cầu biếu tặng nhiều lên Ảnh: TẤN THẠNH

Tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM, gạo mầm Vibigaba đóng gói hút chân không của công ty tuy giá cao nhưng vẫn được khách hàng chọn mua. Cao nhất là gạo mầm tỏi đen với giá 110.000 đồng/kg, gạo mầm và gạo mầm nghệ cùng giá 70.000 đồng/kg do tốn nhiều chi phí nghiên cứu, chế biến thành thực phẩm hỗ trợ sức khỏe. Bà Lê Ngọc Mai Quỳnh, nhân viên bán hàng tại đây, cho biết dịp Tết sản lượng tiêu thụ tăng gấp đôi ngày thường. "Hiện số người sử dụng gạo lứt tăng nên gạo mầm ăn "sựt sựt" gần giống gạo lứt cũng được người tiêu dùng tiếp nhận. Dịp Tết, nhiều tổ chức, cá nhân mua gạo mầm để biếu tặng" - bà Quỳnh nói.

Ngoài gạo mầm, các loại gạo đóng túi 5 kg của Lộc Trời như Phượng Hoàng, Bắc Đẩu, Tiên Nữ…, giá từ 23.000-27.000 đồng/kg cũng được tiêu thụ mạnh dịp này.

Nhiều sản phẩm mới

Tết Mậu Tuất 2018 là năm đầu tiên gạo hữu cơ Nàng Keo ra thị trường và được đóng gói đẹp mắt để có mặt trong giỏ quà. Đây là giống gạo đặc sản có màu hồng nhạt, thơm, xốp, trồng tại vùng lúa tôm quảng canh thích ứng với biến đổi khí hậu ở Bến Tre.

Co.op Organic cũng đưa gạo hữu cơ giống jasmine vào giỏ quà Tết. Hai loại gạo này đều có chứng nhận hữu cơ quốc tế nhưng giá bán rất hợp lý, chỉ 50.000-55.000 đồng/kg nên được nhà sản xuất kỳ vọng không chỉ Tết mà có thể tiêu thụ cả năm.

Đại diện Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) cho biết Tết này sẽ tung thêm sản phẩm mới là gạo lứt đỏ chế biến từ lúa thu hoạch ở vùng canh tác lúa tôm. Mặt hàng này được công ty bán 23.000 đồng/kg, loại đóng gói hút chân không.

"Số người tiêu thụ gạo lứt ngày càng nhiều do có lợi cho sức khỏe. Trước giờ, gạo lứt được định giá cao hơn gạo trắng do quy mô thị trường nhỏ nhưng về sản xuất thì gạo lứt còn nguyên cám nên giá thành rẻ hơn. Khi quy mô thị trường đủ lớn thì gạo lứt sẽ trở lại đúng giá trị" - đại diện Tigifood giải thích.

Ngọc Ánh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.