|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cựu Tổng Giám đốc Vinashinlines và Giang Kim Đạt bị y án tử hình

06:54 | 19/08/2017
Chia sẻ
Ngày 18-8, phiên toà hình sự phúc thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines) tiếp tục diễn ra.

Bị cáo Giang Văn Hiển (bố đẻ Đạt) không đến Toà và xin xử vắng mặt, nhưng vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo kêu oan. Chỉ duy nhất bị cáo Trần Văn Liêm, cựu Tổng Giám đốc Vinashinlines nhận phần lớn các nội dung mà bản án sơ thẩm xác định và đề nghị xem xét lại mức án tử hình cho mình. Lý do là trong quá trình xét xử sơ thẩm, gia đình bị cáo cũng đã khắc phục hậu quả bằng cách bồi thường số tiền đã chiếm đoạt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này là em gái Đạt giữ nguyên kháng cáo đề nghị Toà phúc thẩm xem xét trả lại 20 bất động sản và xe ô tô đứng tên mình. Trước đó, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên tịch thu số bất động sản này để đảm bảo thi hành án vì xác định, đây là tài sản của Đạt nhờ người thân đứng tên. Trước khi chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố nêu quan điểm giải quyết vụ án này.

cuu tong giam doc vinashinlines va giang kim dat bi y an tu hinh
Bị cáo Trần Văn Liêm.
Theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, quá trình xét xử tại Toà sơ thẩm, bốn bị cáo phản cung, không nhận tội. Tại phiên toà phúc thẩm, duy nhất bị cáo Liêm nhận gần hết tội như bản án sơ thẩm xác định, các bị cáo khác không nhận tội.

Nhưng căn cứ vào hồ sơ, tài liệu, lời khai ban đầu của các bị cáo, có đủ cơ sở xác định, ba bị cáo: Đạt, Liêm và Khương đã có hành vi tham ô tài sản số tiền khoảng 16 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng) của Vinashinlines thông qua việc khai thác cho thuê 9 tàu, nhận tiền chênh lệch từ mua 3 tàu theo chỉ đạo của Trần Văn Liêm. Số tiền này, các bị cáo để ngoài sổ sách kế toán chia nhau hưởng lợi bất hợp pháp.

Trong đó, Liêm hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng, Đạt hưởng lợi 255 tỷ đồng và Khương hưởng lợi hơn 1,7 tỷ đồng. Để che giấu việc hưởng lợi bất hợp pháp số tiền đặc biệt lớn trên, các bị cáo đã nhờ bị cáo Hiển mở 22 tài khoản ngoại tệ để nhận tiền của các công ty gửi về. Số tiền này sau đó được bị cáo Hiển rút ra để mua bất động sản, mua ô tô…

Đối với Trần Văn Liêm, ban đầu bị cáo kháng cáo kêu oan, sau đó thay đổi kháng cáo khi cho rằng, mình không giữ vai trò chính trong vụ án. Nhưng theo đại diện Viện kiểm sát, với vai trò là Tổng Giám đốc Vinashinlines, bị cáo Liêm phải chịu trách nhiệm cao nhất mọi việc làm trong công ty.

cuu tong giam doc vinashinlines va giang kim dat bi y an tu hinh
Bị cáo Trần Văn Khương.
Tại cơ quan điều tra, Liêm cũng khai đã chỉ đạo Đạt mở tài khoản để nhận tiền hoa hồng, tiền chênh lệch giá cước cho thuê tàu. Và thực tế Liêm đã nhận 150.000 USD từ Đạt, sau đó giữ lại 40.000 USD để sử dụng cá nhân và đưa cho Khương 110.000 USD. Bị cáo Liêm biết rõ đây là số tiền bất hợp pháp nhưng vẫn chia hưởng lợi cùng cấp dưới đã chứng minh rõ ý định tham ô tài sản Nhà nước.

Sau khi vụ án xảy ra, dù bị cáo Liêm đã nộp lại số tiền chiếm đoạt, tuy nhiên xét bản chất vụ án thì vai trò của bị cáo Liêm là chỉ đạo hành vi phạm tội, trực tiếp khiến Vinashinliens thua lỗ, thất thoát, phá sản, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội.

Đối với Giang Kim Đạt, dù kháng cáo kêu oan nhưng trong cả hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo không đưa ra được căn cứ nào chứng minh mình vô tội, không chứng minh được số tiền 255 tỷ đồng sử dụng để mua bất động sản, ô tô từ đâu mà có.

Trong khi đó, các tài liệu trong hồ sơ vụ án và lời khai của đồng phạm đã đủ cơ sở khẳng định, bị cáo Đạt đã chiếm đoạt, hưởng lợi số tiền trên từ “hoa hồng” bán tàu và chênh lệch giá cho thuê 9 tàu. Theo đại diện Viện kiểm sát, HĐXX cấp sơ thẩm các định, bị cáo Đạt giữ vai trò tích cực trong vụ án này là có căn cứ.

cuu tong giam doc vinashinlines va giang kim dat bi y an tu hinh
Ba bị cáo: Trần Văn Liêm (giữa), Giang Kim Đạt (trái) và Trần Văn Khương nghe Toà tuyên án.
Đối với Trần Văn Khương, dù kháng cáo kêu oan nhưng cũng giống như bị cáo Đạt, ở hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Khương không đưa ra được căn cứ chứng minh mình vô tội.

Trong khi đó, các tài liệu tại hồ sơ vụ án đã đủ cơ sở kết luận, bị cáo Khương hưởng lợi bất hợp pháp 110.000 USD. Đối với Giang Văn Hiển, căn cứ vào lời khai của Đạt cho biết, bị cáo đã mở 22 tài khoản ngoại tệ để 92 lần nhận tiền bất hợp pháp của các công ty nước ngoài chuyển về cho Hiển.

Kết quả điều tra đúng như lời khai của Đạt. Vậy nên Tòa án sơ thẩm quy kết bị cáo Hiển phạm tội rửa tiền là có căn cứ, không oan sai. Từ nhận định của mình, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

Về kháng cáo đòi các bất động sản và ô tô trong vụ án do em gái Đạt đề nghị, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, quá trình điều tra đã đủ cơ sở xác định toàn bộ tài sản kê biên là sử dụng nguồn tiền do Đạt phạm tội mà có. Em gái Đạt chỉ là người đứng tên các bất động sản và ô tô hộ Đạt. Vì thế không có căn cứ để trả lại cho em gái Đạt các tài sản trên. Về kháng cáo phần dân sự của Vinashinlines và Tổng Công ty Hàng Hải (Vinalines) khi cho rằng, họ mới là nguyên đơn dân sự trong vụ án này đại diện Viện kiểm sát cho rằng, có căn cứ chấp nhận. Bản án sơ thẩm xác định, Tổng Công ty công nghiệp tàu thuỷ (Vinashin) mới là nguyên đơn dân sự.

Trước khi vụ án này xảy ra, Vinashinlines thuộc Vinashin. Sau đó, Vinashinlines được chuyển về Vinalines. “Các bị cáo lấy tiền của Vinashinlines thì phải trả lại cho Vinashinlines. Vinashinlines mới là nguyên đơn dân sự trong vụ án này”, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm.

Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm xác định, quá trình xét xử công khai vụ án này, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên toà, căn cứ vào ý kiến của đại diện các thành phần tham gia tố tụng, HĐXX phúc thẩm xét thấy quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát là có cơ sở. “Bản án sơ thẩm xác định tội danh và hình phạt đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo cũng không đưa ra được căn cứ gì chứng minh mình vô tội. Việc các bị cáo kháng cáo kêu oan chỉ để trốn tránh trách nhiệm của mình sau khi phạm tội.

Vì thế, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo”, Chủ toạ phiên toà khẳng định. Với phán quyết trên, HĐXX phúc thẩm quyết định giữ nguyên hình phạt đối với các bị cáo như bản án sơ thẩm đã quy kết.

Như vậy, bị cáo Liêm và bị cáo Đạt vẫn phải chấp hành hình phạt tử hình, bị cáo Khương án chung thân cùng về tội tham ô tài sản; bị cáo Hiển 12 năm tù về tội rửa tiền. HĐXX phúc thẩm xác định, trong vụ án này, nguyên đơn dân sự là Vinashin. Vì thế, đơn vị này sẽ được nhận số tiền thiệt hại trong vụ án.

cuu tong giam doc vinashinlines va giang kim dat bi y an tu hinh Giang Kim Đạt nói còn nhiều tiền ở nước ngoài

Bị cáo Giang Kim Đạt, người bị kết án tử hình ở phiên tòa sơ thẩm, cho rằng số tiền hơn 16 triệu USD là ...

cuu tong giam doc vinashinlines va giang kim dat bi y an tu hinh Hôm nay, Giang Kim Đạt và đồng phạm hầu tòa

Hôm nay (17/8), TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xử phúc thẩm bị cáo Giang Kim Đạt và 3 đồng phạm trong vụ ...

cuu tong giam doc vinashinlines va giang kim dat bi y an tu hinh Giang Kim Đạt bị lĩnh án tử hình

Chiều nay 22/2, TAND thành phố Hà Nội tuyên án Giang Kim Đạt cùng đồng phạm trong vụ án “Tham ô tài sản, Rửa tiền” ...

Nguyễn Hưng