|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Từ cuối những năm 1990, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, miếng bánh này vẫn rất ít được quan tâm và chỉ được các ngân hàng thương mại thực hiện như một phần nhỏ của các sản phẩm ngân hàng bán lẻ.

Với sự nhập cuộc của các công ty tài chính tiêu dùng kể từ năm 2007, thị trường đã bắt đầu phát triển nhanh chóng những năm sau đó. Đến nay, tỉ trọng tín dụng tiêu dùng đã chiếm khoảng 20,5% trong tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012, với mức tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm, theo dữ liệu từ BIDV.

Cuộc chiến ngầm trên thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam - Ảnh 1.

Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam hiện đang có sự cạnh tranh với khoảng 18 công ty tài chính cùng hàng chục ngân hàng có dịch vụ cho vay tiêu dùng.

Song, tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn đang là cuộc chơi của 2 doanh nghiệp nội với thị phần áp đảo thuộc về các tên tuổi lớn như FE Credit, HD Saison và 1 doanh nghiệp vốn nước ngoài Home Credit.

Cuộc chiến ngầm trên thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam - Ảnh 2.

Dẫn đầu là FE Credit, sau 10 năm hoạt động, tổ chức này đã vươn lên dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng, với thị phần 52% trong năm 2019, bỏ xa hai đối thủ đứng sau là Home Credit (17%) và HD Saison (11%).

FE Credit cho biết, đến nay đã phục vụ 10 triệu khách hàng, hợp tác với hơn 9.000 đối tác tại hơn 13.000 điểm bán hàng trên toàn quốc. Hiện doanh nghiệp có hơn 4 triệu tài khoản sử dụng các dịch vụ tài chính tiêu dùng thường xuyên.

Với dư nợ đến cuối tháng 6/2020 đạt hơn 60.000 tỉ đồng và gần 2.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 13,35%. Lãi trước thuế 2019 đạt 4.500 tỉ đồng, FE Credit xếp thứ 32 trong top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019.

Liên tiếp từ năm 2016 đến nay, FE Credit luôn được các quĩ đầu tư nước ngoài rót vốn với tổng số tiền lên tới 1,2 tỉ USD để gia tăng tiềm lực tài chính phát triển kinh doanh. Do đó, không khó hiểu khi giai đoạn 2015 - 2019, tổng tài sản của FE Credit đã tăng 200% từ 23.000 tỉ đồng năm 2015 lên hơn 70.000 tỉ đồng tính đến cuối năm 2019.

Mục tiêu trong năm 2020 của FE Credit là duy trì mức lợi nhuận 4.000 tỉ đồng, ngang bằng năm ngoái cùng thị phần hơn 50% trong ngành tài chính tiêu dùng.

Cuộc chiến ngầm trên thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam - Ảnh 3.

Trong khi đó, công ty cùng ngành là HD Saison - liên doanh giữa Ngân hàng HDBank và Tập đoàn Tài chính Credit Saison (Nhật Bản) là doanh nghiệp tài chính tiêu dùng có mặt sớm nhất tại Việt Nam (2007), thị phần đạt 11%, đứng thứ 3 sau FE Credit và Home Credit.

Nằm trong top 3 doanh nghiệp tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam, đến nay HD Saison sở hữu mạng lưới giới thiệu dịch vụ tại 14.000 điểm, hợp tác với 9.000 đối tác và phục vụ trên 5 triệu khách hàng.

Các sản phẩm chính HD Saison đang cung cấp cho thị trường gồm: cho vay trả góp xe gắn máy, cho vay trả góp hàng điện máy gia dụng, điện tử và cho vay trả góp tiền mặt.

Theo báo cáo kết quả tài chính trong ĐHCĐ năm 2020 của HD Bank, tổng thu nhập hoạt động của CTTC HD Saison trong năm 2019 là 3.841 tỉ đồng, tăng trưởng 10,5% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 1.040 tỉ đồng và 831 tỉ đồng, tăng trưởng trên 15%.

HDBank cho biết, trong năm 2019 HD Saison đã đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ cho vay lên đến 18,1%, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 33,2%, mức khá cao trong ngành tài chính tiêu dùng.

Với Home Credit, sau tròn 10 năm có mặt tại Việt Nam, Home Credit đã xây dựng mạng lưới hơn 8.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh, thành phố cuối năm 2019. Với hơn 8.500 nhân viên hiện diện trên khắp cả nước, Home Credit đang có tổng cộng 8,54 triệu khách hàng với 3 sản phẩm chính: cho vay trả góp xe gắn máy, cho vay trả góp hàng điện máy gia dụng, điện tử và cho vay trả góp tiền mặt.

Cuộc chiến ngầm trên thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam - Ảnh 4.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tiềm năng để thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam phát triển trong thời gian tới vẫn còn rất lớn. Chính vì vậy, vài năm trở lại đây, dòng vốn ngoại từ những tập đoàn tài chính hàng đầu khu vực vẫn liên tục đổ về nhằm chia lại chiếc bánh thị phần.

Trong vòng 4 năm qua, Shinhan Hàn Quốc là cái tên gây nhiều chú ý nhất khi không ngại thể hiện tham vọng xâm chiếm thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Sau khi mua lại mảng bán lẻ của ANZ, Shinhan Việt Nam tiếp tục bỏ ra hơn 150 triệu USD để mở rộng hoạt động cho vay khách hàng cá nhân bằng việc mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam.

Thời điểm đó mảng tài chính tiêu dùng của Prudential có thị phần 5,3% và xếp thứ 4 trên thị trường xét về dư nợ cho vay, sau FE Credit, Home Credit và HD Saison. Ngay sau khi thương vụ mua lại hoàn tất, ông lớn Hàn Quốc đã nhanh chóng thành lập công ty tài chính Shinhan Việt Nam.

Shinhan cho biết, kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm của họ không chỉ dừng lại ở cho vay tiêu dùng, mà còn phát triển cho vay trả góp hàng tiêu dùng, cho vay mua ô tô và thẻ tín dụng, thông qua việc tích hợp nhiều giải pháp khác nhau.

"Chúng tôi cũng lên kế hoạch mang đến những dịch vụ tài chính mới, cùng các giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng Việt Nam dựa trên nguồn lực phối hợp giữa các ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam như Shinhan Bank Việt Nam, Shinhan Securities và Shinhan Life", ông Lim Young Jin, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Shinhan Card chia sẻ tại lễ ra mắt công ty mới.

Cũng trong năm 2019, Lotte Finance - một công ty con của Lotte Card đã chính thức ra mắt thị trường Việt Nam sau sau 6 tháng triển khai hoạt động kinh doanh. Sự kiện đánh dấu sự hiện diện của một trong những chaebol lớn của Hàn Quốc trên lĩnh vực tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Lotte Card là công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng sở hữu mạng lưới dịch vụ và bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc. Lotte Card vào Việt Nam năm 2017 và thâm nhập thị trường bằng thương vụ chi 1.700 tỉ đồng mua lại toàn bộ bộ phận tài chính tiêu dùng TechcomFinance của Techcombank.

Trong buổi lễ ra mắt ông Kim Chang Kwon, Tổng giám đốc công ty Lotte Card cho biết, Lotte Finance đặt mục tiêu trở thành công ty tài chính tiên phong trong ứng dụng công nghệ quản lí tín dụng tại Việt Nam. 

Hiện Lotte Finance đã cho ra mắt hai dòng sản phẩm chiến lược là cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng, bao gồm Lotte Finance Visa Platinum và Lotte Finance Visa. 

Chưa dừng lại, sức nóng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn còn kéo dài đến đầu năm nay. 

Tại cuộc họp Đại hội Đồng cổ đông (ĐHCĐ) diễn ra vào đầu năm nay, HĐQT ngân hàng SHB đã thông qua cổ đông về việc bán vốn tại CTTC SHB FC cho một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. 

Hiện SHB FC đang có 1.000 tỉ đồng vốn điều lệ do SHB sở hữu 100%. Trước khi về với SHB, SHB FC là một CTTC được sở hữu bởi Vinaconex - Viettel. 

Tương tự SHB, lãnh đạo ngân hàng MSB trong ĐHCĐ năm 2020 cũng cho biết đang thảo luận để chuyển nhượng một phần vốn điều lệ tại FCCOM cho công ty TNHH Hyundai Card đến từ Hàn Quốc. Nhà băng này cho biết, từ cuối năm 2019 đã nộp hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần theo qui định và đang đợi thẩm định.

Với sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ không có bất ngờ nếu chiếc bánh thị phần ngành tài chính tiêu dùng ở Việt Nam được phân chia lại.

Cuộc chiến ngầm trên thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam - Ảnh 6.

Để không đánh mất thị phần và bị thâu tóm, các công ty tài chính trong nước như FE Credit, HDSaison,... cũng đang tìm cách để củng cố sức cạnh tranh trong cuộc chiến sắp tới.

Đặc biệt trong bối cảnh mảng cho vay tiêu dùng hiện nay đang chuyển dần từ các phương thức truyền thống sang tận dụng triệt để công nghệ, từ tìm kiếm khách hàng, phương thức tiếp thị, cho đến thẩm định trực tuyến qua mạng xã hội, chấm điểm khách hàng bằng các mô hình tận dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, rồi giải ngân trực tuyến vào tài khoản, ví điện tử, như cách mà các nền tảng cho vay ngang hàng, các công ty công nghệ tài chính (FinTech) đang làm thay đổi cuộc chơi này.

Mới đây nhất, doanh nghiệp lớn nhất ngành là FE Credit cũng đã có kế hoạch chuyển đổi hình thức pháp lí từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần. Ngày 13/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lí của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty cổ phần.

Một số phân tích cho rằng, động thái trên rất có thể là bước chuẩn bị cho việc huy động thêm nguồn vốn từ bên ngoài thông qua việc phát hành cho đối tác, hoặc tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Điều này không khó hiểu, đặc biệt trước FECredit, đã có HDSaison, MCredit lựa chọn kêu gọi, thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài để gia tăng nội lực tài chính và tận dụng kinh nghiệm của đối tác, khi hai tổ chức này đều có 49% vốn góp của cổ đông Nhật.

Riêng năm nay, để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19, theo ông Kalidas, Tổng Giám Đốc của FE Credit cho biết, công ty đã chuyển hướng chiến lược từ thu hút khách hàng mới sang tập trung vào tập khách hàng hiện hữu có lịch sử tín dụng tốt. Điều này vừa giúp giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư, đồng thời giúp công ty đứng vững trước dịch bệnh.

Cuộc chiến ngầm trên thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam - Ảnh 7.

Trong năm 2020, FE Credit đã tích cực thay đổi danh mục đầu tư của mình để hướng tới khách hàng hiện tại và giảm thiểu rủi ro. FE Credit đã mất tới 9 tháng đầu năm 2019 để xử lí nợ xấu, đưa tỉ lệ nợ xấu về mức dưới 6% năm.

Tỉ lệ nợ xấu tại công ty tài chính này tiếp tục được duy trì ở mức thấp 5,36% tính đến tháng 6/2020, so với 5,37% cùng kì năm 2019 và 5,98% cuối năm 2019. Tỉ lệ xử lí nợ trên khoản vay gộp cũng giảm còn 13% so với 14% trong năm 2019.

Trước hậu quả mà dịch bệnh COVID-19 gây ra, FE Credit cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ từ tháng 3/2020 cho các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chương trình cung cấp các sự lựa chọn cho khách hàng như tái cơ cấu khoản vay, hoãn thanh toán cũng như miễn các khoản phí chậm trả. 

Đến nay, FE Credit cho biết đã hỗ trợ thành công cho gần 200.000 khách hàng, tương được 5% số khách hàng hiện hữu với tổng khoản vay trị giá 4 nghìn tỉ đồng.

Bích Thu
Alex Chu
Kinh tế & Tiêu dùng