|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cục Chăn nuôi: Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022

08:07 | 14/07/2022
Chia sẻ
Cục Chăn nuôi dự báo trong thời gian tới giá một số nguyên liệu chính có thể giảm. Tuy nhiên, mức giảm được cho là không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi.

Do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) trên thế giới, giá nguyên liệu TACN trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021.

 

Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối tháng 5, giá nguyên liệu TACN theo xu hướng giảm nhẹ. Tính đến tháng 7, giá một số nguyên liệu chính giảm khoảng 0,3% - 5,5% so với bình quân trong tháng 6.

Nguyên liệu Giá trong tháng 7 (đồng/kg) Thay đổi so với trung bình tháng 6
Ngô 8.600  -5,5%
Khô dầu đậu tương  14.050  -0,4%
DDGS  10.500  -
cám gạo chiết ly  5.550  -0,3%

Mặc dù vậy, giá các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh theo xu hướng tăng 0,3 - 1,4% do một số doanh nghiệp chưa tăng giá trong tháng 5, 6 phải sử dụng nguyên liệu thức ăn giá cao nhập trước đó.

Cục Chăn nuôi dự báo trong thời gian tới giá một số nguyên liệu chính có thể giảm. Tuy nhiên, mức giảm được cho là không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi.

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ cuối năm 2020, đặc biệt tăng mạnh từ đầu năm 2022 trở lại đây do giá nguyên liệu thế giới tăng cao. Nguyên nhân chính là do xung đột giữa Nga và Ukraine. Đây là 2 nhà xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới (chiếm khoảng 30% lúa mì, 20% ngô và gần 100% hạt hướng dương xuất khẩu toàn cầu) nhưng đã dừng xuất khẩu lúa mỳ làm cho giá lúa mỳ thế giới tăng cao.

Điều này đã tác động lớn đến nguồn cung và giá lương thực toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá ngô, khô đậu tương (nguyên liệu chính sản xuất TACN) và các mặt hàng nông sản khác trên thị trường thế giới và Việt Nam.

Ngoài ra, thời gian gần đây một số nước có chính sách tạm dừng xuất khẩu lương thực để đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng sẽ làm giảm nguồn cung và tăng giá nguyên liệu thức ăn trên thế giới. Vấn đề này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi có xu hướng giảm.

H.Mĩ