|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cử tri chất vấn dự án đô thị bỏ hoang

07:17 | 21/06/2017
Chia sẻ
Ngày 20/6, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND TP Hà Nội, trong 24 vấn đề “nóng”, dân sinh được cử tri quận Hoàn Kiếm đặt câu hỏi tới lãnh đạo thành phố đó là tình trạng hàng loạt các dự án bất động sản, dự án nhà ở được phê duyệt trước khi sáp nhập trên địa bàn các huyện ngoại thành sau gần 10 năm vẫn bỏ hoang tràn lan gây lãng phí, bức xúc dư luận.
cu tri chat van du an do thi bo hoang
Hàng loạt khu biệt thự ngoại thành bị bỏ hoang nhiều năm. (Ảnh: Tiền Phong)

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đối với các dự án thuộc địa bàn huyện Mê Linh và các huyện ngoại thành khác, trong năm 2016 và riêng 5 tháng đầu năm 2017 đích thân ông đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn với các sở ngành liên quan. “Tại đây đã họp bàn, kiểm tra lại nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc các dự án của những doanh nghiệp này tại huyện Mê Linh đã được tỉnh Vĩnh Phúc giao cho họ kinh doanh”, ông Chung nói. Theo ông Chung nguyên nhân các dự án này chậm trễ có nhiều, trong đó có việc có chủ đầu tư chưa nộp nghĩa vụ tài chính về đất đai; có vướng mắc trong việc phê duyệt quy hoạch. Thậm chí có những dự án chủ đầu tư “bỏ chạy” không thực hiện.

Trên cương vị người đứng đầu chính quyền thành phố, ông Chung cho biết sẽ đôn đốc giải quyết những kiến nghị của cử tri và với tư cách là đại biểu HĐND TP sẽ giám sát để kiến nghị được giải quyết nghiêm túc. Được biết, riêng địa bàn huyện Mê Linh, từ sau thời điểm hợp nhất đến nay hiện có 47 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.743 ha, trong đó có 14 dự án đã hoàn thành công tác GPMB; 18 dự án đang GPMB; 24 dự án đang xây dựng hạ tầng hoặc công trình kiến trúc.

Đề nghị lãnh đạo thành phố công khai tài sản

Cử tri Nguyễn Văn Hoà (phường Hàng Bồ) cho rằng, liên quan đến quy định về phòng chống tiêu cực tham nhũng, Trung ương đã thông báo 1.000 cán bộ do Trung ương quản lý phải kê khai tài sản cá nhân. Vì vậy, Thành ủy và UBND TP Hà Nội cũng phải rà soát, lên danh sách, thông báo số cán bộ do Thành ủy, UBND TP quản lý cần kê khai tài sản. Theo cử tri, việc kê khai tài sản cá nhân không dừng lại hình thức mà phải đi sâu vào bản chất, phải để quần chúng nhân dân biết để giám sát, phản biện, kiến nghị, bổ sung, không chỉ đơn thuần kê khai tài sản chỉ mang tên cán bộ; phải kê khai tài sản liên quan tránh tình trạng đứng tên người khác để ngụy trang cho hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Trả lời ý kiến cử tri liên quan đến công khai việc kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương về việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, vừa rồi Thành ủy Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm điểm. Trong đó có việc giám sát kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý. “Tiếp thu ý kiến cử tri, tới đây tôi sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy để công khai nội dung này”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

Hồ Tây sẽ chỉ có duy nhất 1 thuyền nổi hoạt động

Trả lời ý kiến cử tri về vấn đề di chuyển các nhà thuyền nổi trên hồ Tây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trực tiếp ông đã kiểm tra và đối thoại 4 lần với các doanh nghiệp có các nhà thuyền nổi này, vận động, yêu cầu các doanh nghiệp cương quyết phải di rời. “Tới đây, trên hồ Tây chỉ được phép có duy nhất một con tàu hoạt động và phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Chung nhấn mạnh.

Tú Anh

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện mức tăng lợi nhuận trên 70%, thêm ngân hàng lãi tỷ đô
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.