Cụ thể hóa quy định xử lý nợ xấu
Nội dung Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã được trao đổi, chia sẻ giữa các đại biểu dự Hội nghị Câu lạc bộ pháp chế NH - Hiệp hội NH Việt Nam vừa qua. Tại hội nghị này, các đại biểu đã trao đổi những nội dung cơ bản của nghị quyết cũng như thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng vào quá trình triển khai thực hiện nghị quyết.Xử lý nợ xấu: Cần sự tham gia tích cực của các ngành
Chú trọng hoàn thiện thủ tục nhà đất
Một nội dung được các đại biểu tham dự hội nghị quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng, đó là việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai cũng như việc đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản đảm bảo của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài.
Nghị quyết có ý nghĩa nhằm mở rộng và phát triển thị trường mua bán nợ cũng như tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài khi không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của khoản nợ đã mua theo quy định của Luật Đất đai.
Theo quy định của Nghị quyết 42, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ quy định nội dung này. Hy vọng và mong muốn việc ban hành quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo thời gian có hiệu lực cùng với thời gian có hiệu lực của Nghị quyết 42 (15/8/2017), cũng như đảm bảo việc thực thi của các cơ quan có liên quan trong việc áp dụng các quy định này trên thực tế một cách có hiệu quả.
Theo đại diện lãnh đạo bộ phận pháp chế của một số NHTM, nếu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường không ban hành kịp thời quy định về vấn đề mấu chốt này của Nghị quyết 42 thì sẽ chưa thể triển khai được và không hình thành được thị trường mua bán nợ. Từ đó, các quy định cởi mở nhất của Nghị quyết 42 là mua, bán khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, tài sản với đất, tài sản hình thành trong tương lai (Điều 9) và chuyển nhượng tài sản đảm bảo (Điều 15) cũng chưa thực hiện được.
Việc hỗ trợ xử lý nợ xấu
Một trong những băn khoăn nhất của các NHTM trong việc triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là sự tham gia và phối hợp của các đơn vị ngoài ngành NH như công an, chính quyền địa phương.
Theo đại diện của SHB, khoản 5 Điều 7 của Nghị quyết 42 đã có quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan công an nơi tiến hành thu giữ tài sản thực hiện việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo theo đề nghị của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu, đặc biệt trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt thì chính quyền cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo tham gia chứng kiến và ký vào biên bản thu giữ tài sản.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể từ các cấp cao hơn thuộc Bộ Công an và chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh thì việc phối hợp xử lý nợ xấu của các đơn vị ngoài ngành là rất khó thực hiện.
“Lực lượng công an địa phương chủ yếu làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự nên nếu xảy ra các tranh chấp tại hiện trường thu giữ tài sản sẽ phải giải quyết theo quy trình cứng nhắc là buộc tất cả các bên về đồn công an, làm biên bản và như thế việc xử lý tài sản sẽ bị ngưng lại, không giải quyết được”, vị đại diện này nói.
Làm cách nào để thuận tiện nhất, khi đại diện TPBank cho rằng, việc yêu cầu chính quyền cấp xã, phường sở tại chứng kiến và ký vào biên bản thu giữ tài sản cũng sẽ khó thực hiện bởi các cơ quan này thường không có đủ nhân sự để phối hợp. Nhiều tài sản phải kiểm kê chi tiết mất nhiều thời gian và liên quan đến các chuyên môn nghiệp vụ sổ sách kế toán. Các cán bộ cấp xã sẽ dễ dàng từ chối hợp tác. Từ đó, hồ sơ thu giữ tài sản khó hoàn thành được.
Tuy vậy, các đại biểu cũng kỳ vọng, với quy định này của Nghị quyết 42 và nếu có sự vào cuộc của Ủy ban nhân dân, cơ quan công an sẽ là một bước quan trọng để đảm bảo thực hiện quyền thu giữ tài sản của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu, đồng thời, việc tuân thủ chặt chẽ các điều kiện, quy trình, thủ tục được quy định tại Nghị quyết 42 cũng là cơ sở để bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Mong muốn sự vào cuộc và triển khai thi hành mạnh mẽ, kịp thời của các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan để đảm bảo các nội dung của nghị quyết được thực hiện đồng bộ, đạt được mục tiêu của Nghị quyết 42 đã đề ra cũng như góp phần giải quyết được các vấn đề về xử lý nợ xấu đang đặt ra hiện nay. Bên cạnh đó, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật cần thiết cũng là yêu cầu quan trọng để tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ cho việc xử lý nợ xấu.