Cư dân tố ban quản trị dùng quỹ bảo trì khuất tất
Cư dân chung cư Văn Phú Victoria (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) vừa có đơn thư cầu cứu cơ quan chức năng với mong muốn được tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu lại ban quản trị.
Theo hơn 700 hộ dân tại đây, sau khi dự án đi vào bàn giao một năm, đến cuối năm 2016, hội nghị nhà chung cư lần đầu được tổ chức thành công và bầu ra ban quản trị với 5 thành viên. Chủ đầu tư sau đó cũng đã bàn giao hơn 40 tỷ đồng phí bảo trì cho ban quản trị. Tuy nhiên, đến nay sau hơn một năm được thành lập và đi vào hoạt động, theo các cư dân, ban quản trị có nhiều sai phạm, đi ngược lại với quyền lợi của họ.
Cư dân Văn Phú Victoria căng băng rôn đòi bầu lại ban quản trị. Ảnh cư dân cung cấp. |
Một cư dân cho biết, chi phí vận hành mỗi năm của tòa nhà theo ban quản trị khoảng 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chi các hạng mục sửa chữa, bảo dưỡng ra sao thì không được công khai. Cùng với đó, ban quản trị cũng giấu nhẹm các nguồn thu từ việc khai thác quảng cáo, dịch vụ xung quanh tòa nhà. Việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành cũng do họ tự ý quyết định mà không lấy ý kiến cư dân. Ban giám sát được cư dân cử ra để giám sát hoạt động của ban quản trị cũng bị vô hiệu hóa, không được tiếp cận với các chứng từ thu chi.
“2% quỹ bảo trì hơn 40 tỷ đồng của chúng tôi đang ở đâu, việc chi tiêu tài chính như thế nào trong hơn một năm qua cư dân không được biết. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu làm việc, đối chất với ban quản trị thì họ nói chỉ gặp ở hội nghị nhà chung cư thường niên tổ chức một năm một lần. Những bức xúc của cư dân về việc thu chi, thậm chí vấn đề nước sạch của cư dân họ cũng bỏ mặc”, chị Hoài, một cư dân cho hay. Không những khuất tất trong chi tiêu, ban quản trị tại đây còn bị các cư dân "tố" làm việc vô trách nhiệm.
Đỉnh điểm của sự tắc trách là sự cố tràn dầu máy phát điện làm dầu ngấm từ tầng hầm B1 xuống B2 đêm 6/4, khiến hàng nghìn cư dân hoảng loạn lo cháy.
Quá trình kiểm tra tại hiện trường phòng cảnh sát PCCC số 9 Hà Nội cho biết, chất lỏng nhỏ giọt và loang chảy dưới sàn tầng hầm là dầu diesel. Tại vị trí dầu bị thấm dột là phòng đặt máy phát điện của tòa nhà. Ở đây thùng dầu diesel máy phát điện với khối lượng hàng nghìn lít bị rò rỉ và thấm qua trần bê tông nhỏ giọt xuống tầng hầm B2.
“Sự việc rất nghiêm trọng nhưng khi xảy ra sự cố, cư dân lên phòng trực Ban quản lý trình báo thì không có ai trực, bảo vệ cũng không biết trưởng ca trực là ai. Ban quản lý quá tắc trách, cẩu thả khi phát hiện dầu rò rỉ mà không có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm. Còn thái độ của Ban quản trị quá thiếu trách nhiệm với cư dân”, chị Hà – cư dân tòa nhà bức xúc.
Các cư dân tại đây cũng cho biết, không một thành viên nào của Ban quản trị lên tiếng nhận lỗi sau sự việc.
Hơn 700 hộ dân tại đây nhiều lần yêu cầu tổ chức hội nghị chung cư bất thường để bầu thay thế ban quản trị. Tuy nhiên, ban quản trị không đồng ý với lý do theo ông Trần Minh Tân - Trưởng ban quản trị tòa nhà - là "nhiều chữ ký trong đơn giả mạo, không phải đại diện chủ sở hữu căn hộ".
Trong khi đó, các cư dân tại Văn Phú Victoria lý giải, với nhiều căn hộ đang được cho thuê, chữ ký trong đơn là của người đang sinh sống tại đó chứ không phải chủ nhà. "Không có chuyện một bộ phận cư dân giả mạo chữ ký như lời ông Tân nói. Ban quản trị chỉ đang viện cớ để trì hoãn, kéo dài thời gian phải tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường", một cư dân nói.
Với việc trì hoãn nhiều lần từ ban quản trị, cư dân tại đây cũng 3 lần gửi đơn kiến nghị về việc tổ chức hội nghị chung cư bất thường tới UBND quận Hà Đông, UBND phường Phú La. Tuy nhiên, theo cơ quan này, để đủ điều kiện tổ chức thì phải xác minh các chữ ký trong đó. Việc xác minh đã kéo dài 4 tháng nay nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng nên hội nghị chưa được tổ chức.
Gần đây nhất, sau khi cư dân căng băng rôn cầu cứu, Chủ tịch UBND phường Phú La đã có buổi làm việc với cư dân Văn Phú Victoria nhưng 5 thành viên trong ban quản trị lại không có mặt.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Khắc Huy, Chủ tịch UBND phường Phú La cho biết, sau khi nhận được đơn kiến nghị, cơ quan này đã đề nghị ban quản trị tổ chức hội nghị nhà chung cư. Nếu ban quản trị không tổ chức, phường mới được đứng ra tổ chức nếu trên 50% số cư dân đồng ý.
Lãnh đạo phường cũng cho biết, sau khi nhận được đơn kiến nghị, đã tiếp xúc và tiến hành xác minh chữ ký. Hiện công tác này cơ bản đã hoàn tất. Tuy không cho biết chữ ký trong đơn thư của cư dân là thật hay giả mạo, theo ông Huy, hội nghị chung cư bất thường tại khu chung cư Văn Phú Victoria đã đủ điều kiện và sẽ được tiến hành trong tháng 4.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP Invest cho rằng, hiện nay có một thực trạng là hầu hết ban quản trị đều không phải đơn vị chuyên nghiệp hoặc am hiểu về lĩnh vực quản lý, xây dựng, điều hành nhà chung cư. Vì thế, hoạt động của ban quản trị tại một số chung cư không thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, ông cho rằng, chi tiêu quỹ bảo trì như thế nào cũng là một vấn đề đòi hỏi ban quản trị phải thực sự có chuyên môn quản lý, thu chi minh bạch, không tư lợi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không ít nơi ban quản trị làm được điều đó. |