|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty sợi có doanh thu nghìn tỷ sắp chào sàn HOSE, giá tham chiếu 18.000 đồng/cp

15:22 | 18/01/2017
Chia sẻ

Ngày chính thức giao dịch là ngày 25/1. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 18.000 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá +/- 20% so với giá tham chiếu.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vừa công bố về việc niêm yết cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Ngày chính thức giao dịch là ngày 25/1, ngày niêm yết có hiệu lực 16/1.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 18.000 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá +/- 20% so với giá tham chiếu.

Ông Lê Mạnh Thường, Chủ tịch HĐQT Fortex tại buổi Roadshow giới thiệu niêm yết cổ phiếu FTM

Mục tiêu 1.100 tỷ đồng doanh thu năm 2017

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) được thành lập vào năm 2002 tại tỉnh Thái Bình với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sợi bông. Qua 3 lần tăng vốn, đến nay vốn điều lệ FTM đạt 500 tỷ đồng.

Đơn vị: tỷ đồng

Fortex hiện đang sở hữu 3 nhà máy đặt tại Khu Công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và Khu Công nghiệp Tiền Hải với 108.700 cọc sợi, công suất khoảng 17.000 tấn/năm. Các nhà máy này nằm ở vị trí thuận lợi, sẵn sàng xây dựng, mở rộng với các chính sách thuê dài hạn và thuế ưu đãi.

Hiện, Fortex đang đầu tư mở rộng nhà máy thứ 4 với công suất tương đương 8.700 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 35 triệu USD. Theo lãnh đạo công ty, nhà máy này dự kiến được lắp đặt thiết bị máy móc vào cuối quý II/2017, có sản phẩm vào quý III/2017.

Theo lộ trình mở rộng, giai đoạn 2017 - 2020, công ty dự kiến đầu tư nhà máy thứ 5 với công suất 8.700 tấn/năm, tương đương nhà máy thứ 4 và tổng vốn là 35 triệu USD.

Công ty cũng sẽ đầu tư một nhà máy dệt vải và nhuộm, hoàn thiện với công suất 10 triệu m2/năm. Tổng vốn đầu tư 55 triệu USD. Đồng thời, công ty cũng đầu tư vào 10 nhà máy may với công suất 5 triệu m2/năm/nhà máy. Tổng đầu tư 7,5 triệu USD/nhà máy. Như vậy giai đoạn 2017 - 2020, công ty dự kiến có tổng công suất sợi 35.000 tấn/năm và công suất vải 10 triệu m2/năm.

Giai đoạn 2021 - 2030, công ty đầu tư tích hợp hoàn toàn vào chuỗi giá trị: đầu tư dệt may và khu công nghiệp may mặc tại tỉnh Thái Bình. Công suất sợi mục tiêu đạt 50.000 tấn/năm và công suất vải 50 triệu m2/năm.

Đơn vị: tỷ đồng

Trong 9 tháng đầu năm, tổng tài sản của Fortex đạt 1.584 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả 1.032 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu là 552,2 tỷ đồng, tức nợ/vốn chủ sở hữu là 1,87 lần.

Cũng trong 9 tháng, Fortex đạt doanh thu 827 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 22,45 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận ròng 2,7%.

Dự kiến kế hoạch 2017, công ty đạt 1.100 tỷ đồng doanh thu và 60 tỷ đồng lợi nhuận.

80% hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc

Các khách hàng lớn của Fortex đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Châu Âu và trong nước. Nguyên liệu được nhập khẩu từ châu Phi, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và Úc tùy thuộc vào mùa vụ và chất lượng bông.

Ông Lê Mạnh Thường, Chủ tịch HĐQT Fortex cho biết tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc khoảng 80%, còn lại là các thị trường khác. Năm 2016 có 97% doanh thu đến từ xuất khẩu.

Tuy nhiên, để không phụ thuộc vào một thị trường chính, ông Thường cho biết công ty có kế hoạch mở rộng thị trường qua Hàn Quốc, Nhật Bản, trong tương lai có thể là Châu Âu gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan. Năm 2017, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến sẽ được giảm đi 10% so với năm trước đó do nhiều khách hàng chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác.

Nhiều người bày tỏ lo ngại việc Fortex phụ thuộc vào một thị trường chính là Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi VN (VCOSA) cho rằng thị trường Trung Quốc có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Tuấn phân tích, Chính phủ Trung Quốc nhiều năm nay tài trợ cho nông dân trồng bông, WTO không ủng hộ nhưng Trung Quốc vẫn làm. Chính phủ Trung Quốc thu gom bông với giá cao. Cách đây 3 - 4 năm giá bông 1,1 USD/kg, nhưng Trung Quốc thu mua vào với giá hơn 2 USD/kg, bắt doanh nghiệp trong nước mua lại giá 3 USD/kg. Vì vậy, hơn 10 năm nay, diện tích trồng bông ở Trung Quốc tăng rất nhanh. Cách đây 3 - 4 năm, sản lượng bông ở Trung Quốc khoảng 7,7 triệu tấn, lớn nhất thế giới.

Hiện Trung Quốc tồn kho 18,5 triệu tấn bông, giá bông trong nước 1,7 - 1,8 USD/kg. Các doanh nghiệp trong nước thấy mua bông trong nước với giá cao nên không mua, khiến kho bông không bán được, sức tiêu thụ của thị trường giảm từ 9 triệu tấn xuống còn 6 triệu tấn.

Do đó ông Tuấn đánh giá đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sợi sang Trung Quốc, khi mà doanh nghiệp của họ có nhu cầu mua bông giá thấp hơn.

Ông Tuấn cũng lưu ý bông bán sang Trung Quốc nhưng khách hàng đa dạng, có thể từ Hàn Quốc nữa. Đặc biệt, Trung Quốc hiện đang đại diện cho 50% giá trị sản xuất toàn cầu, nếu đóng cửa biên giới hoặc có các vấn đề phát sinh thì bản thân nước này gánh chịu nặng nề chứ không phải các nước khác.

Khổng Chiêm