Công ty ngoại khó có cửa vào Triều Tiên
4 thông điệp ít ai để ý trong buổi tọa đàm Mỹ - Triều Tiên | |
Chứng khoán châu Á biến động với cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim |
Sau cuộc gặp lịch sử tại Singapore hôm nay, Tổng thống Mỹ - Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un đã ký thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo cũng cho biết khi việc này xảy ra, các công ty Mỹ sẽ có khả năng đầu tư vào Triều Tiên cao hơn.
Trên lý thuyết, Triều Tiên có nhiều đặc điểm thu hút các công ty nước ngoài. Quốc gia này nằm giữa chuỗi cung ứng lớn tại châu Á, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nền kinh tế này cũng còn rất nhiều việc phải làm để bắt kịp thế giới.
Công nhân Triều Tiên trong nhà máy của doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung Kaesong. Ảnh: Reuters |
“Có rất nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn và thú vị tại Triều Tiên”, Peter Ward - nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Seoul nhận xét. Theo các chuyên gia, dân số Triều Tiên khá nghèo, nhưng có trình độ giáo dục tốt. Chi phí nhân công lại rẻ hơn rất nhiều so với các nước láng giềng. Việc này giúp họ trở thành địa điểm tiềm năng cho việc sản xuất hàng điện tử và dệt may.
Tuy nhiên, những lợi thế này lại bị lấn át bởi nhiều rào cản lớn với nhà đầu tư nước ngoài. “Khả năng Triều Tiên cho phép dòng tiền đầu tư lớn từ nước ngoài là rất thấp”, Go Myong-hyun - nhà nghiên cứu tại Viện chính sách Asan cho biết, “Chính quyền Triều Tiên rất ngờ vực thị trường quốc tế”.
Là đối tác thương mại và đồng minh lớn nhất của Triều Tiên. Trung Quốc có thể đi tiên phong trong việc đầu tư vào nước này. Ward cho rằng Triều Tiên có thể là ứng cử viên cho sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, do cơ sở hạ tầng của Triều Tiên khá cũ kỹ. Dù vậy, Triều Tiên có thể vẫn dè chừng tiền của người Trung Quốc, do lo ngại an ninh quốc gia.
Trong quá khứ, tiền của nhà đầu tư nước ngoài vào Triều Tiên cũng không mấy hiệu quả. Thập niên 80, Bình Nhưỡng từng vỡ nợ với các khoản vay từ ngân hàng châu Âu và Australia. Gần đây, nhiều công ty nước ngoài làm việc tại Triều Tiên cũng gặp rắc rối.
Cuối những năm 2000, công ty Ai Cập - Orascom được mời tham gia một liên doanh với Chính phủ Triều Tiên, để xây dựng mạng di động đầu tiên tại nước này. Nhiều năm sau đó, công ty này vẫn gặp khó, vì không được chuyển lợi nhuận ra khỏi Triều Tiên và chính phủ nước này còn lập nhà mạng quốc doanh làm đối thủ. Trong báo cáo tài chính năm 2015, Orascom chỉ cho biết “không còn quyền kiểm soát các hoạt động tại liên doanh”.
Các công ty Hàn Quốc cũng chật vật tại đây. Năm 1998, Hyundai Group bắt đầu vận hành một khu nghỉ dưỡng trên núi cho du khách tại Triều Tiên. Tổ hợp này thu hút 2 triệu khách Hàn Quốc trong suốt 10 năm, cho đến khi xảy ra việc một du khách bị thiệt mạng vì lính gác Triều Tiên. Dự án này sau đó phải đóng cửa và bị Bình Nhưỡng quốc hữu hóa.
Dù vậy, Hyundai vẫn lập một nhóm đánh giá khả năng quay lại Triều Tiên. Samsung Securities - công ty đầu tư của Samsung tuần trước cũng cho biết đang chỉ đạo một nhóm nghiên cứu phân tích khả năng đầu tư vào đây.
Hai nước cũng từng có khu công nghiệp chung Kaesong - nơi các công nhân Triều Tiên làm việc cho công ty Hàn Quốc. Tuy nhiên, nó đã bị đóng cửa năm 2016 do căng thẳng chính trị leo thang. Nhiều công ty Hàn Quốc cũng chỉ đồng ý hoạt động tại đây nếu có sự bảo đảm và hỗ trợ từ Seoul.
Giới chuyên gia cho rằng có nhiều lý do khiến Triều Tiên quay lưng với nhà đầu tư quốc tế. Một là nó có thể giảm quyền lực của chính phủ. Hai là nền kinh tế này quá đóng cửa, nên chính quyền không nắm được cách thức làm việc phù hợp với đối tác kinh doanh. “Họ dường như không hiểu được rằng tước đoạt tài sản của các nhà đầu tư sẽ chỉ khiến danh tiếng của mình xấu đi mà thôi”, Ward kết luận.