Công ty cổ phần Đường Bình Định khó có khả năng hoạt động
Chưa khắc phục xong tình trạng gây ô nhiễm môi trường
Hiện tại, nhà máy đường của CTCP Đường Bình Định (Bisuco) trên địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn (Bình Định) đang ngổn ngang những vấn đề tồn tại vì gây ô nhiễm môi trường, không đủ điều kiện để hoạt động.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định tại văn bản số 5767/UBND-KT ngày 25/10/2017 về việc yêu cầu Bisuco dừng hoạt động để khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường, ngày 20/12/2017, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Định gồm đại diện các sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh Bình Định, UBND huyện Tây Sơn và xã Tây Giang đã kiểm tra kết quả thực hiện việc khắc phục những tồn tại của Bisuco.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra đánh giá Bisuco vẫn chưa khắc phục hết những tồn tại gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, vẫn còn những tồn tại như chưa thực hiện bố trí khu vực chứa tro bay đảm bảo, chưa có giải pháp xử lý nước mưa qua khu vực bã mía (có màu nâu đen), nên nước mưa qua các khu vực này bị ô nhiễm, chảy tràn ra sông Côn.
Hệ thống thu gom nước mưa, nước thải cũ đã xuống cấp, không đảm bảo thu gom, dẫn nước thải về hệ thống xử lý. Một lượng lớn xỉ lò đang lưu chứa trên mặt bằng sân sau nhà máy, hiện lượng xỉ này có hiện tượng tràn xuống sông. Việc vệ sinh môi trường, vệ sinh công nghiệp chưa đảm bảo, đặc biệt là khu vực phía sau nhà máy, giáp với sông Côn. Hệ thống xử lý nước thải chưa có thay đổi gì so với đợt kiểm tra trước, nước thải vẫn chưa đạt yêu cầu…
Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu Bisuco tiếp tục khắc phục các vấn đề tồn tại đến khi đạt yêu cầu thì đoàn mới báo cáo UBND tỉnh Bình Định cho phép Bisuco hoạt động.
Tuy nhiên, thực tế là Bisuco đang gặp muôn vàn khó khăn trước mùa vụ mới. Công ty cổ phần NIVL (Long An) có cùng một ông chủ A.Nandaa Kumar (Ấn Độ) như Bisuco có Nhà máy đường Hiệp Hòa đã đóng cửa, nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm, nợ tiền thu mua mía nguyên liệu… UBND tỉnh Long An đã có văn bản số 501/TB-UBND ngày 7/12/2017 nêu rõ vấn đề nợ đọng của Công ty cổ phần NIVL và phương án thu mua mía nguyên liệu niên vụ 2017 – 2018 của công ty này là khó khả thi.
Theo đó, UBND tỉnh Long An đã thống nhất chủ trương cho Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công thu mua mía cho nông dân tại huyện Bến Lức, vùng được quy hoạch là vùng nguyên liệu mía cho NIVL.
Ngày 21/12, đại diện NIVL đã làm việc với UBND tỉnh Long An đề nghị hỗ trợ khoanh nợ cho NIVL và hỗ trợ thu mua mía cho nhà máy đường Hiệp Hòa hoạt động. Tuy nhiên, đề nghị này đã không nhận được sự đồng thuận.
Trường hợp của Bisuco hiện nay cũng tương tự, Giám đốc Bisuco, ông Bhogavilli Anantha Sreenvasa Rao cũng không thể trả lời chính xác ngày mà Bisuco sẽ chạy ép mẻ mía đầu tiên niên vụ 2017 – 2018 này. Ông Bhogavilli Anantha Sreenvasa Rao chỉ có duy nhất một câu trả lời cho vấn đề này là “đầu tháng tới”.
Vấn đề xử lý những tồn tại về môi trường tại Bisuco hiện nay dường như cũng chỉ là đối phó để các cơ quan chức năng chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Từ đó, Bisuco có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi cảnh tượng của nhà máy không khá hơn một khối phế liệu, khắp nơi đều là những cảnh hoen rỉ, tôn bị gió giật tốc, trốc, phất phơ trong gió mà Bisuco cũng không đủ điều kiện sửa chữa.
CTCP Đường Bình Định - BIsuco |
Bị người lao động kiện ra tòa, ngân hàng tịch thu tài sản
Mấy ngày qua, ông Huỳnh Văn Báu, trú xã Cát Tân, huyện Phù Cát (Bình Định), làm việc cho Bisuco từ năm 1997 cùng nhiều công nhân, người lao động khác đã phải nhiều lần đến Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn cùng với ông Bhogavilli Anantha Sreenvasa Rao để hòa giải về vấn đề nợ tiền bảo hiểm. Vì Bisuco nợ tiền bảo hiểm của người lao động nên Bảo hiểm xã hội Bình Định không thể giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho ông Báu cùng hàng chục lao động khác.
Trả lời về vấn đề này, ông Bhogavilli Anantha Sreenvasa Rao nói: “Đó không phải là Bisuco nợ, nếu người lao động tìm được đơn vị làm việc mới thì sẽ được giải quyết bảo hiểm thất nghiệp”. Chỉ biết rằng, hiện tại, Bisuco có số nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động lên tới 4,6 tỉ đồng. Hàng tuần, ông Báu cùng những người cùng cảnh ngộ phải vất vả theo đuổi vụ kiện. Ông Báu khẳng định: “Chúng tôi sẽ theo vụ kiện tới cùng”.
Không chỉ nợ tiền bảo hiểm của người lao động, theo điều tra riêng của chúng tôi, tổng số nợ của Bisuco hiện này lên đến khoảng hơn… 800 tỉ đồng. Chủ nợ lớn nhất của Bisuco là Standard Chartered (Chi nhánh Singapore) và Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn Standard Chartered (Chi nhánh Việt Nam). Ngày 28/01/2016, Ngân hàng Standard Chartered đã có thông báo tịch thu tài sản thế chấp là cơ sở nhà máy đường của Công ty cổ phần đường Bình Định – Bisuco.
Chưa hết, hàng loạt các ngân hàng thương mại khác tại Việt Nam cũng đang là chủ nợ của Bisuco. Trong khi đó, theo đánh giá, tài sản hiện tại của Bisuco không tới 100 tỉ đồng.
A.Nandaa Kumar, ông chủ của Công ty cổ phần NIVL và Công ty cổ phần Bisuco đã rời Việt Nam và không quay lại. Trước đó, vì số nợ quá lớn của Bisuco, ông A.Nandaa Kumar đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định không cho phép xuất cảnh. Sau đó, các cơ quan ngoại giao Ấn Độ đã đề nghị cho ông A.Nandaa Kumar được xuất cảnh về nước để… “lấy tiền” trả nợ. Tuy nhiên, đã hơn nửa năm nay, ông A.Nandaa Kumar đã không quay trở lại Việt Nam.
Với tình cảnh hiện tại, nông dân trồng mía tại Bình Định đang lo lắng cho mùa vụ mới. Nhận thấy không mấy hy vọng với Bisuco mùa này, người trồng mía tại đây đang mong chính quyền địa phương có những quyết sách như tỉnh Long An. Với vùng nguyên liệu khoảng 900 ha, tổng sản lượng hơn 50.000 tấn của Bisuco tại Bình Định, các nhà máy đường lân cận như An Khê, AyunPa (Gia Lai) có thể tiêu thụ rất dễ dàng.