|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Công nghiệp 4.0: \"Mỗi cuộc cách mạng chỉ có thể đưa 4-5 nước hóa rồng\"

20:29 | 07/04/2017
Chia sẻ
"Mỗi cuộc cách mạng chỉ có thể đưa 4 - 5 nước hóa rồng. Nếu Việt Nam không nghĩ rằng chúng ta phải tìm giải pháp dẫn đầu thì rất khó", CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
ceo viettel cong nghiep 40 nen la cach mang phat hien nhu cau chu khong phai cong nghe
CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp),

Lâu nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn được biết đến như cuộc cách mạng về khóa học công nghệ, dữ liệu lớn và kết nối.

Phát biểu tại diễn đàn CEO 2017 với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - được và mất”, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam, Đặng Việt Dũng cho rằng cách mạng 4.0 là giao thoa giữa khoa học công nghệ, ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Tổng giám đốc TPBank, Nguyễn Hưng cũng đưa ra dẫn chứng trong ngành ngân hàng, 2/3 số giao dịch hiện tại đang được thực hiện trên kênh online thay thế cho cách giao dịch truyền thống có sự tham gia của con người. Việc ứng dụng Fintech trong lĩnh vực ngân hàng là điều tất yếu.

"Bất kì ai đứng ngoài cuộc cách mạng cách mạng này là không tồn tại", bà Nguyễn Thanh Huyền, Tổng giám đốc Công ty May 10 chia sẻ.

Nhưng ngay tại diễn đàn chính diễn đàn CEO, 67% khách mời và đại diện các doanh nghiệp có mặt cho rằng Việt Nam không bắt kịp được cách mạng công nghiệp, chỉ có 33% lạc quan với triển vọng sẽ theo kịp cuộc cách mạng này.

Trái ngược với sự bi quan của đa số đại biểu có mặt trong hội trường, TS Nguyễn Mạnh Hùng, CEO của Viettel cho rằng trong phát triển chỉ cần một phe có 30% tin tưởng là đủ để cạnh tranh và có thể hoàn toàn thay thế.

Ông cho rằng cuộc cách mạng 4.0 đơn giản là cuộc cách mạng thay đổi về tư duy. "Cái B thay thế cái A thì tất cả những quốc gia nào đang có cái A sẽ có nguy cơ lớn hơn rất nhiều những nước chưa có gì", ông Hùng nói. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam - một đất nước chưa có gì trong cuộc cách mạng này, trong khi các nước khác đã rất khó để bỏ đi hàng triệu tỷ USD đã đầu tư.

Một ví dụ khác được CEO Viettel dẫn chứng: "Ai cũng nghĩ Internet là phát minh vĩ đại của nhân loại, nhưng không ai nghĩ Internet không dùng được. Khi hỏi một câu hỏi trên Internet có thể nhận được cả 10.000 câu trả lời khác nhau và chưa được kiểm chứng. Chưa kể, Google đang đưa ra câu trả lời dựa trên quảng cáo, nên tính chính xác càng kém".

Vì vậy, ông đưa ra một sáng kiến để có hàng triệu câu trả lời cho hàng triệu câu hỏi, đó là lập một nhóm chuyên gia - những người có hiểu biết đưa ra câu trả lời có xác nhận. Theo ông, khi đó, Việt Nam sẽ có internet kiểu mới, có thể dùng được.

"Cách tiếp cận của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta nhìn cuộc cách mạng 4.0 như thế nào", ông Hùng nói. Ông đưa ra ví dụ, chúng ta đi mua máy điều hòa nhưng thực tế là chúng ta mua không khí lạnh. Chiếc điều hòa thực tế đang được sử dụng 3 tháng mùa nóng, còn 9 tháng không hiệu quả. "Nếu có một ông nào đó bán cho bạn không khí lạnh bạn sẽ không mua điều hòa. Đó là cơ hội để tạo ra một doanh nghiệp kiểu Uber mới", ông Hùng nói.

"Nếu chúng ta nhìn như cuộc cách mạng khoa học công nghệ, Việt Nam rất khó để tiếp cận. Nhưng nhìn như cuộc cách mạng tìm ra vấn đề thì với Việt Nam rất dễ. Việt Nam là nước thu nhập thấp với nhiều vấn đề và những con người đầy sức mạnh khát vọng. Nên nhìn như một cuộc cách mạng mà mỗi người dân đều tham gia được", ông chia sẻ quan điểm.

Theo ông, nguồn nhân lực để thực hiện cuộc cách mạng này rất khó. Mỗi người dân Việt Nam nên trở thành một lập trình viên bằng ngôn ngữ lập trình cao, giải bài toàn của chính mình thay vì đi làm thuê. Bên cạnh đó, với đặc trưng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi doanh nghiệp của Việt Nam phải kết thành một mắt xích bền chặt.

"Mỗi cuộc cách mạng chỉ có thể đưa 4 - 5 nước hóa rồng. Nếu Việt Nam không nghĩ rằng chúng ta phải tìm giải pháp dẫn đầu thì rất khó", CEO Viettel nhận định.

Thái Hoàng