|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Công cuộc tái cấu trúc đầy gian nan của chuỗi cung ứng toàn cầu

16:19 | 24/06/2022
Chia sẻ
Các chuỗi cung ứng được thiết kế trong quá khứ đặt tính hiệu quả lên hàng đầu và việc này đã gây ra rắc rối không nhỏ. Xu hướng mới là ưu tiên cho sự bền vững, nhưng hành động thái quá sẽ gây ra vấn đề mới.

(Hình minh họa: Pete Reynolds/Economist). 

Ba năm trước, tờ The Economist dùng từ “chậm hóa toàn cầu” để mô tả tình trạng mong manh của giao thương quốc tế.

Hai thập niên 1990 và 2000 là thời đại của sự hội nhập hối hả. Từ năm 2010, tốc độ hội nhập kinh tế đã chững lại trong bối cảnh doanh nghiệp vật lộn với dư chấn của khủng hoảng tài chính, phong trào phản đối việc mở cửa kinh tế và chiến tranh thương mại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dòng chảy của hàng hóa và vốn đầu tư đình trệ. Nhiều sếp doanh nghiệp hoãn các quyết định lớn về đầu tư ra nước ngoài. Châm ngôn “tức thời” nhường đường cho “chờ và đợi”. Không ai biết liệu toàn cầu hóa chỉ đang đối mặt với vật cản nhỏ hay sắp bị lật đổ.

Giai đoạn chờ đợi đã kết thúc. Đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine đã mở ra giai đoạn mới, làm thay đổi hình dung về chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Chuỗi cung ứng ở khắp mọi nơi đang biến đổi. Một số doanh nghiệp phải dự trữ 9.000 tỷ USD hàng tồn kho để chống lạm phát và nguy cơ thiếu hụt, số khác phải tham gia cuộc chiến giành nhân công khi quyết định chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Kiểu toàn cầu hóa mới này tập trung vào an ninh thay vì hiệu quả: ưu tiên làm ăn với những đối tác bạn có thể tin tưởng, tại những quốc gia mà chính phủ nước bạn có quan hệ hữu hảo.

Tuy nhiên, "toàn cầu hóa kiểu mới” có thể biến tướng thành chủ nghĩa bảo hộ và làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát. Nhưng ngược lại, nếu doanh nghiệp và các chính trị gia biết kiềm chế, nó có thể thay đổi kinh tế thế giới theo hướng tốt hơn, bảo toàn lợi ích của xu hướng mở cửa, đồng thời cải thiện tính vững bền của hệ thống.

Nhu cầu phải thay đổi

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, kim chỉ nam của toàn cầu hóa từng là tính hiệu quả. Doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất tại những nơi có chi phí rẻ nhất, còn nhà đầu tư để vốn vào nơi có lợi nhuận cao nhất. Các chính phủ muốn đối xử bình đẳng với doanh nghiệp, bất kể quốc tịch của họ. Các quốc gia thực hiện giao dịch thương mại với nhau, mặc cho thể chế chính trị tương đồng hay khác biệt.

Trong hơn hai thập kỷ, xu hướng trên đã tạo ra những chuỗi giá trị phức tạp, chiếm hơn một nửa thương mại toàn cầu: các linh kiện trong điện thoại của bạn có lẽ đã đi hơn nửa vòng Trái đất rồi mới được lắp ráp với nhau và chuyển đến tay bạn. Vòng quay này duy trì giá cả phải chăng cho người tiêu dùng và giúp hơn 1 tỷ người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực trong quá trình công nghiệp hóa của các nước đang phát triển.

Song, toàn cầu hóa siêu hiệu quả cũng gây ra rắc rối. Các dòng vốn biến động làm mất ổn định thị trường tài chính. Nhiều lao động cổ cồn xanh ở các nước giàu bị mất việc.

Gần đây, hai nỗi lo lớn khác xuất hiện. Thứ nhất, một số chuỗi cung ứng tinh gọn không có tốt như vẻ ngoài. Hầu như họ luôn giữ cho chi phí thấp, nhưng khi đổ vỡ, cái giá phải trả có thể rất đắt đỏ.

Các điểm nghẽn hiện nay đã xóa sổ ít nhất 1% GDP toàn cầu, tờ The Economist cho biết. Nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng đều chịu thiệt hại: nạn thiếu hụt chip khiến việc chế tạo ô tô bị đình trệ, dòng tiền của các nhà sản xuất đã giảm 80% so với năm trước.

Tim Cook, CEO Apple, ước tính sự hỗn loạn này có thể khiến doanh thu “táo khuyết” giảm tới 10%, tương đương 8 tỷ USD, trong quý này. COVID-19 là cú sốc lớn, nhưng chiến sự, khí hậu khắc nghiệt hoặc một loại dịch bệnh khác có thể dễ dàng làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong thập kỷ tiếp theo.

Rắc rối thứ hai là việc theo đuổi lợi thế chi phí mù quáng của thế giới đã đem lại cho một số nước quyền dùng thương mại làm công cụ đe dọa. Chiến sự Nga-Ukraine đã phơi bày sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng từ Nga. Trung Quốc có quy mô thương mại lớn gấp 7 lần Nga – và thế giới phụ thuộc vào nước này cho một loạt hàng hóa, từ dược phẩm cho đến lithium.

Chuyển biến mới

Một chỉ báo cho thấy doanh nghiệp đang chuyển từ tính hiệu quả sang tính bền vững. Hiện, họ đang tích trữ lượng hàng tồn kho khổng lồ nhằm “phòng hờ” cho những bất ổn trong tương lai. Kể từ năm 2016, lượng tồn kho của 3.000 công ty lớn nhất thế giới đã tăng từ 6% lên 9% GDP toàn cầu.

Nhiều công ty đang áp dụng chiến lược nguồn cung kép và ký hợp đồng dài hạn hơn. Các ngành chịu áp lực lớn nhất đã và đang đổi mới mô hình kinh doanh, với sự khuyến khích của nhà nước. Loạt chính phủ từ châu Âu đến Ấn Độ đang cổ vũ cho “sự tự chủ chiến lược”.

Ngành ô tô đang bắt chước Tesla của Elon Musk bằng cách hướng đến việc liên kết theo chiều dọc, theo đó doanh nghiệp kiểm soát mọi thứ, từ khai thác nickel cho đến thiết kế chip. 

Trong ngành năng lượng, phương Tây tìm kiếm các hợp đồng cung ứng dài hạn từ đồng minh thay vì dựa dẫm vào thị trường giao ngay có đầy đối thủ. Đây là một trong những lý do phương Tây đang cố gắng làm thân với đất nước giàu khí đốt Qatar. Năng lượng tái tạo cũng sẽ khiến thị trường năng lượng mang tính khu vực hơn.

Giang