|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Con tôm Việt và con số 10 tỷ USD

08:00 | 27/01/2017
Chia sẻ
Mặc dù hiện tại kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ ở mức 3-4 tỷ USD/năm, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cho rằng, con tôm có thể mang về 10 tỷ USD cho Việt Nam nếu được quy hoạch và đầu tư bài bản.

Ý tưởng đột phá

Lần đầu tiên đề cập đến ý tưởng này tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung (Bình Thuận), Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận cho rằng, con số 3-4 tỷ USD xuất khẩu mỗi năm chưa phản ánh hết tiềm năng của ngành tôm. Nếu được đầu tư bài bản, ngành tôm hoàn toàn có khả năng đạt kim ngạch 10 tỷ USD/năm.

con tom viet va con so 10 ty usd
Tôm sau khi thu hoạch được giữ sống để tăng giá trị kinh tế. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, ngành tôm của Việt Nam có dư địa phát triển rất lớn vì có lợi thế bờ biển dài, điều kiện thời tiết khí hậu cũng thuận lợi cho tôm phát triển. Một diện tích xâm ngập mặn khá lớn có thể mở rộng thêm diện tích nuôi trong tương lai và lợi thế nữa, tôm có thể làm ra rất nhiều sản phẩm.

Một trong những “vua tôm” của thế giới, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú cũng nhận định Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được 10 tỷ USD trong tương lai.

So sánh với quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới là Ecuador, ông Quang cho rằng, dư địa của ngành tôm Việt Nam còn rất lớn. Mặc dù tổng diện tích nuôi trồng tôm của Ecuador chỉ có 170.000ha, nhưng sản lượng trong năm 2016 đạt 500.000 tấn. Trong khi đó, Việt Nam có diện tích nuôi tôm lên đến 700.000ha, nhưng sản lượng cũng chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn chút ít.

“Nếu ngành tôm Việt Nam biết phát huy sức mạnh, không cần nuôi tôm mật độ cao mà chỉ cần nuôi mật độ vừa phải, vừa sức tải của môi trường, chỉ cần bình quân 1,5 tấn/ha thì Việt Nam đã có xấp xỉ 1 triệu tấn tôm. Với mức giá như hiện nay là hơn 10 USD/kg, Việt Nam sẽ có trên 10 tỷ USD về tôm. Còn nếu đẩy mạnh sản xuất tôm sú, với mức giá 16-17 USD/kg thì Việt Nam có khoảng 13-14 tỷ USD. Riêng Minh Phú có thể làm tới 2 tỷ USD/năm chứ không chỉ hạn chế như hiện nay”, ông Quang phân tích.

Với hơn 40 năm làm việc trong ngành thủy sản, ông Nguyễn Huy Điền, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, thuận lợi lớn nhất của ngành tôm hiện nay là dư địa thị trường còn rất lớn, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm tôm còn nhiều khi kinh tế thế giới đang phục hồi mạnh mẽ. Thậm chí, các tổ chức nghiên cứu thị trường đều chưa dự đoán được ngưỡng giới hạn của nhu cầu sử dụng sản phẩm tôm, trong khi đó khả năng tăng sản lượng tôm sú trên thế giới rất hạn chế.

Bắt đầu từ đâu?

Sau khi nghe ông Nguyễn Hoàng Anh đề cập đến ý tưởng này tại hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, Việt Nam có đủ khả năng để xuất khẩu 10 tỷ USD tôm. Đồng thời, ngay lập tức đồng ý cho phép mở rộng diện tích nuôi tôm để bù lại những thách thức về biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp, trong đó có con tôm phát triển đúng tiềm năng và lợi thế, Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương dành một gói tín dụng 50.000 – 60.000 tỷ đồng với cơ chế vay thuận lợi và thông thoáng nhất.

Ý tưởng đã có, Chính phủ cũng đã “mở lối”, nhưng để thực hiện được mục tiêu này không phải là dễ dàng khi nội tại của ngành tôm đang còn nhiều bất cập, khó khăn, đặc biệt là tình hình dịch bệnh ở tôm chưa được kiểm soát và chi phí giá thành luôn nằm ở mức cao nhất thế giới. Chưa hết, để đáp ứng được các nhu cầu thị trường không hề đơn giản, nhất là trong tình hình các nước nhập khẩu ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, nhiều hàng rào kỹ thuật đã được dựng lên để bảo vệ sản xuất trong nước.

Để đạt được mục tiêu 10 tỷ USD, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, cần rà soát chuyển đổi một phần diện tích đất sang nuôi tôm ở các khu vực vực có lợi thế, đặc biệt diện tích đất bị xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để nâng diện tích nuôi tôm cả nước lên quy mô khoảng 2 triệu ha, tức là tăng gấp 3 lần so với hiện tại.

“Khi mở thêm diện tích thì phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ theo tiêu chuẩn công nghệ cao, tiến bộ khoa học vào từng mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất của ngành. Đồng thời, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể để ngành tôm phát triển bền vững. Nếu thực thi được những vấn đề này thì việc ngành tôm đạt được 10 tỷ USD không phải là viển vông mà hoàn toàn có thật”, ông Nguyễn Hoàng Anh đề xuất.

Nhìn nhận lại những tồn tại của ngành tôm, “vua tôm” Lê Văn Quang cho rằng, sở dĩ năng suất, sản lượng ngành tôm còn thấp, chi phí giá thành lại cao là do từ trước đến nay Việt Nam tiếp cận sai cách và hướng phát triển.

Vẫn dẫn chứng trường hợp của Ecuador, ông Quang cho biết, cách đây 20 năm, ngành tôm ở nước này cũng từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Sau một thời gian nghiên cứu, Ecuador đã đưa ra một cách tiếp cận mới, sản xuất tôm giống kháng bệnh, chịu được thời tiết của đất nước này. Đồng thời, áp dụng phương pháp nuôi với mật độ khá thấp, khoảng 10 – 30 con/m2, không cần xử lý ao, phơi ao, sử dụng kháng sinh, hóa chất… Chỉ sau vài năm áp dụng, con tôm ở đây hầu như không bị dịch bệnh khống chế, chi phí sản xuất thấp, sản lượng hàng năm đã lên đến 10 tấn/ha, trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về năng suất, sản lượng tôm.

“Từ bài học của Ecuador, chúng tôi đang khuyến cáo nông dân thay đổi phương thức nuôi trồng theo hướng mật độ thấp, phù hợp với sức tải của môi trường. Đây cũng là cách để ngành tôm phát triển bền vững trong điều kiện nhiều sông ngòi, kênh rạch đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng hiện nay. Hiện Minh Phú đang áp dụng mô hình này để nuôi tôm ở Cà Mau, Kiên Giang”, ông Quang cho biết.

H.Chung