Con đường khởi nghiệp nào cho lao động nữ di cư?
Phụ nữ di cư chia sẻ về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. |
Sự hạn chế về trình độ, nhận thức và khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực đã dẫn đến một thực tế là phụ nữ di cư chủ yếu làm các công việc chân tay, thu nhập thấp và nhiều bấp bênh. Những phụ nữ di cư trong độ tuổi trẻ hơn hoặc có trình độ văn hóa nhất định tìm kiếm việc làm trong các nhà máy lại mang trong mình một nỗi lo khác khi có thể dễ dàng bị từ chối làm việc hoặc không được đảm bảo các điều kiện và nhu cầu làm việc cần thiết. Con đường nào cho lao động nữ di cư đằng sau mái nhà của mình?
Đã có những mô hình khởi nghiệp thành công mà ở đó phụ nữ di cư tự viết nên con đường của chính họ. Với nhiều năm đồng hành cùng người lao động di cư, Viện LIGHT đã cùng tìm kiếm và phát triển các cơ hội ổn định nghề nghiệp cho họ. Tại buổi giao lưu “Phụ nữ di cư khởi nghiệp như thế nào?”, chị em đã chia sẻ và nói lên những tâm tư, kế hoạch của mình trên chặng đường khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Light - chia sẻ tại buổi giao lưu “Phụ nữ di cư khởi nghiệp như thế nào?” |
Ngày 26/6, Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) đã tổ chức buổi giao lưu “Phụ nữ di cư khởi nghiệp như thế nào?” trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Chuỗi cửa hàng lưu động kết nối người lao động di cư khu vực Bắc Thăng Long, Hà Nội” (3Ms). Dự án hướng tới hỗ trợ phụ nữ di cư vận hành các mô hình cửa hàng lưu động tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đã có các mô hình khởi nghiệp thành công được giới thiệu và cùng học hỏi kinh nghiệm kinh doanh giữa các nhóm như mô hình xe đẩy kinh doanh bánh mỳ trong dự án 3Ms do Câu lạc bộ phụ nữ quốc tế (HIWC) tài trợ. Mô hình New Me về giúp việc nhà - thu gom phế liệu và bán hàng rong được chia làm 2 giai đoạn: Nâng cao kỹ năng, kiến thức cho một nhóm các chị em phụ nữ nhập cư. Sau đó nhóm này sẽ tự tổ chức các phiên chợ bán hàng cũ lưu động, tự tạo thêm nguồn thu nhập cho những người tham gia trong dự án. Đồng thời tổ chức hoạt động tín dụng thôn bản nhằm tạo một quỹ tín dụng do chính các chị vận hành, làm chủ.
Ngoài ra, còn có mô hình khởi nghiệp thành công của nữ lao động di cư tại Đông Anh thuộc dự án SAFE - được tài trợ bởi tổ chức Plan Quốc tế trong giai đoạn 2016 - 2019. Mô hình Girl Escape tạo việc làm cho khoảng 40 phụ nữ có công việc mới (làm móng, bán nước, bán quần áo). Mô hình Hợp tác xã Ngày Mới của lao động di cư trên địa bàn Phúc Xá, Ba Đình chuyên về bán hàng rong, bán thực phẩm tươi sống, giúp việc gia đình, xe đẩy, bốc vác, xe ôm.
Hoạt động bán đồ cũ của các chị phụ nữ trong nhóm dự án New Me. |
Buổi giao lưu cũng là cơ hội để kết nối các tổ chức, cá nhân làm việc và ủng hộ người lao động di cư; giúp phụ nữ di cư biết, hiểu và thực hiện các quyền của mình. Quan trọng hơn cả là giúp họ xây dựng niềm tin vào một cuộc sống nhiều hy vọng, tốt đẹp hơn khi bản thân có khả năng làm chủ tương lai của mình.