Có thể hút 15 tỷ USD nhờ nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán?
Trong nửa đầu năm 2016, dòng vốn đầu tư gián tiếp ròng chảy vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng gần 80% so với cùng kỳ. Chính yếu tố này đã tích cực hỗ trợ cung ngoại tệ qua đó giúp tỷ giá VND/USD ổn định và trở thành điểm sáng nổi bật trong việc điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm 2017.
Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút nguồn ngoại tệ lớn hơn con số 1 tỷ USD này? Tại Hội thảo Chính sách tài chính - tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017 tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán Sài gòn (SSI) nhận định một lượng tiền lớn có thể đổ về thị trường chứng khoán. Điều này sẽ xảy ra nếu Việt Nam thay đổi để nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết, theo MSCI, tổng cộng tài sản của các quỹ có sử dụng chỉ số liên quan đến MSCI Emerging Markets Index lên tới 1.500 tỷ USD. Giả sử với tỷ trọng 1% trong rổ chỉ số, dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã lên tới 15 tỷ USD, tương đương 7% GDP Việt Nam.
Ước tính, nếu tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số là 0,17%, dòng tiền từ quỹ đầu tư đang sử dụng MSCI Emerging Markets Index làm tham chiếu sẽ là 2,5 tỷ USD, hơn 1% GDP của Việt Nam chưa kể còn nhiều quỹ đầu tư khác.
Khi được đưa vào chỉ số, dòng tiền này sẽ nhanh chóng được giải ngân chỉ trong thời gian ngắn 1-2 năm. Nhưng hạn chế từ chủ quan chính thị trường chứng khoán Việt Nam chính là số lượng cổ phiếu thỏa mãn điều kiện vào rổ chỉ số còn khiêm tốn, hiện mới chỉ có Vinamilk và Vingroup. Tuy nhiên, theo ông Linh, điều này sẽ thay đổi nếu có chiến lược đúng đưa các doanh nghiệp lên sàn, đồng thời, tăng tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free-float).
Một ví dụ điển hình được đưa ra là cổ phiếu PLX của Tập đoàn Petrolimex hiện mới có tỷ lệ free-float 5%. Trong khi, đối với các quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm có thể đầu tư được bao nhiêu thay vì công ty có vốn điều lệ lớn như thế nào. Nếu tỷ lệ này tăng lên 20% nhờ bán cổ phiếu quỹ hay thoái vốn nhà nước, giá trị cổ phiếu tự do chuyển nhượng của PLX sẽ đạt 700 triệu USD và thỏa mãn điều kiện của MSCI.
“Chỉ cần riêng PLX được vào rổ chỉ số, chúng ta đã có thêm 347 triệu USD từ các quỹ đầu tư dùng MSCI EM Index làm chỉ số tham chiếu. Nếu có thêm 10 công ty như PLX số tiền có thể tăng lên 3 tỷ USD”. Ông Linh cũng cho rằng với việc thúc đẩy cổ phần hóa đưa các công ty lên sàn như hiện nay, việc có 10 công ty như PLX trong 3-5 năm không phải là điều bất khả thi. Việc thu hút luồng tiền 15 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài là điều có thể nếu Việt Nam đưa các doanh nghiệp lớn như ngay cả PVN cổ phần hóa và lên sàn.
Luồng tiền này có thể không chỉ xuất hiện 1 lần trong khoảng 1-2 năm, mà còn sẽ kéo dài bởi vị thế Việt Nam đã được nâng tầm cao và có sự hấp dẫn mới.
Nhưng để được nâng hạng lên thị trường mới nổi hay bước chân vào rổ chỉ số này, có rất nhiều vướng mắc phải giải quyết. Việt Nam vẫn còn những hạn chế về độ mở với sở hữu nước ngoài khi room nước ngoài tại phần lớn các doanh nghiệp niêm yết vẫn chỉ ở mức 49% cùng quy mô còn quá nhỏ của thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, theo ông Linh, để “mở cửa” đưa NĐTNN biết tới thị trường Việt Nam, hệ thống báo cáo tài chính chuẩn mực kế toán, công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng rất cần thiết.
Hạn chế thứ ba là khả năng luân chuyển dòng vốn vào/ra thị trường. Tuy nhiên, ông Linh cũng thừa nhận tạo cơ chế thông thoáng hơn trên thị trường ngoại hối là đầu việc khó, đòi hỏi nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị.
Theo ý kiến của Ts. Đào Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế, Học viện Chính sách Phát triển, việc cho phép tự do hóa tài khoản vốn luôn có một sự đánh đổi. Và thật sự, bóng ma khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 vẫn còn là một điều ám ảnh. Khi đó, chính sự rút ra của dòng vốn nước ngoài cũng là một trong các nguyên nhân đã châm ngòi cho sự đổ vỡ của đồng Bath Thái.
Tuy nhiên, tình thế sau 20 năm đã thay đổi rất nhiều. Việt Nam đang có 42 tỷ USD dự trữ ngoại hối và sẽ tiếp tục cần thời gian để tích lũy nội lực. Việt Nam đang có những cải thiện. Và theo ông Hùng Linh, khi chúng ta khỏe phải nói cho thế giới biết chứ không chỉ nói cho nhau nghe. Cũng theo ông, Việt Nam cũng chỉ nên áp dụng cơ chế điểu chính tỷ giá tự do chừng nào tự tin cân bằng được cán cân xuất nhập khẩu.
Nhưng ông Linh cũng nhấn mạnh dù không thể thực hiện ngay 1-2 năm nhưng Việt Nam nên có lộ trình trong kế hoạch dài hạn.
Không cần phải tới đích nâng hạng, chỉ cần Việt Nam có những cam kết, thể hiện lộ trình rõ ràng, hành động, thực hiện cải cách nhằm tiến đến mục tiêu nâng hạng. Các nhà đầu tư với bản tính “săn kiếm” cơ hội sẽ đủ nhanh nhạy để sớm nhận ra và đổ tiền khi họ nhận định khoản đầu tư vẫn đang được định giá rẻ hơn so với giá trị thực.
Nâng hạng là đích đến nhưng ngay chính trên trên con đường hướng đến đích “nâng hạng” này, lợi ích đã đến cho nền kinh tế Việt Nam, mà cụ thể chính là việc dòng vốn vào từ các nhà đầu tư nước ngoài.