|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng tăng tốc

22:00 | 15/02/2018
Chia sẻ
Kết thúc năm 2017, nhà đầu tư được chứng kiến giá cổ phiếu ngân hàng tăng 50%, 70% thậm chí là gấp đôi, gấp ba. Thế nhưng, chỉ số P/E của nhóm cổ phiếu ngân hàng tính đến thời điểm này vẫn đang thấp hơn so với mức bình quân của ngành. Do vậy, các nhà chuyên môn khẳng định nhóm cổ phiếu này có khả năng bứt phá mạnh trong năm 2018.
co phieu ngan hang tang toc Dậy sóng trong 2017, cổ phiếu ngân hàng chờ đợi hàng loạt tân binh 2018

“Cơn sóng thần” của thị trường

Năm 2017, cùng với đà tăng hưng phấn của chỉ số VN-Index (tăng hơn 40%, lọt vào top các thị trường chứng khoán (TTCK) tăng mạnh nhất trên thế giới), nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn chính thức hay OTC đều có một năm giao dịch thăng hoa.

co phieu ngan hang tang toc
ảnh minh họa

Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, có đến hơn 80% mã cổ phiếu trong số này tăng giá, với mức tăng phổ biến từ 50-100%, thậm chí có những cổ phiếu tăng trên 200%. Đối với nhà đầu tư chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng tính đến nay đã đạt được sự thành công nhất định, đem lại hơi thở cho thị trường.

“Cú hích” cho đợt sóng ngân hàng trên sàn niêm yết tính đến thời điểm này chính là cổ phiếu HDB (HDBank). Nếu như đầu năm 2017, HDB được giới đầu tư giao dịch chỉ quanh vùng 9.000 - 10.000 đồng/cổ phiếu, thì vài tháng trước khi lên sàn, giá cổ phiếu ngân hàng này tăng vọt lên 30.000 - 32.000 đồng/cổ phiếu. HDB tiếp tục “bùng nổ” trong ngày chào sàn khi tăng hết biên độ 20%, từ 33.000 đồng/cổ phiếu lên mức 39.600 đồng/cổ phiếu. Các phiên giao dịch kế tiếp, HDB luôn đứng ở top đầu của thị trường và giao dịch quanh mức 42.000-44.000 đồng/cổ phiếu.

Không riêng gì HDBank mà nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn gồm BID (BIDV), CTG (VietinBank), VCB (Vietcombank), ACB, MBB (MB), KLB (Kienlongbank), VPB (VPBank), LPB (LienVietPostBank) cũng đã đồng loạt dậy sóng trong năm vừa qua. Thậm chí, 2 mã STB (Sacombank) và EIB (Eximbank) bất ngờ tăng kịch trần nhiều phiên. Đáng chú ý SHB sau thời gian dài giao dịch dưới mệnh giá đã chính thức vượt mốc 10.000 đồng/cổ phiếu.

Nương theo diễn biến thuận lợi của TTCK niêm yết, một số ngân hàng đang nằm trên OTC cũng ghi nhận kết quả tích cực. Đầu tiên phải kể đến là TCB của Techcombank. Suốt nhiều năm TCB chỉ giao dịch quanh vùng trên dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đầu năm 2017, giá cổ phiếu của ngân hàng này bắt đầu nhảy vọt lên 20.000 đồng/cổ phiếu, đến giữa năm, nhà đầu tư muốn đặt mua TCB giá 50.000 đồng/cổ phiếu cũng khó khăn. Hiện cổ phiếu TCB đã được các nhà đầu tư đẩy lên tới 57.000 đồng – 60.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp 4 lần so với đầu năm 2017.

Tương tự, giá cổ phiếu của TPBank hiện đã được đẩy lên quanh 25.000 - 26.000 đồng/cổ phiếu, ngang với giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn niêm yết trên sàn chứng khoán như MB, VietinBank, VIB, BIDV. So với đầu năm 2017, hiện TPBank cũng đã tăng giá gấp hơn 2 lần. Trường hợp của OCB cũng vậy, hồi tháng 7/2017 chưa đạt được mệnh giá. Vậy mà thời điểm này cũng đã tăng giá gấp hơn 2 lần, giao dịch phổ biến ở 15.000 - 16.000 đồng/cổ phiếu. Nếu so với thời điểm cuối tháng 9 năm ngoái thì giá cổ phiếu OCB cũng đã tăng gấp 3 lần…

Tiềm năng tăng trưởng lớn ở 2018

Năm 2018, thị trường tài chính nhìn chung vẫn được đánh giá khả quan. Mức tăng trưởng có thể không quá đột biến so với năm 2017 nhưng sẽ đi sâu theo hướng bền vững và chất lượng. Diễn biến này sẽ tiếp tục tạo ưu thế cho những ngân hàng có quy mô lớn, đầu tư bài bản và có đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính cung cấp cho thị trường. Riêng đối với các cổ phiếu ngân hàng trên sàn, năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi cho nhóm cổ phiếu này, đặc biệt ở khía cạnh tăng trưởng thị giá.

Bởi hiện nay, chỉ số P/E của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang thấp hơn so với mức bình quân của thị trường. Do vậy, nhóm cổ phiếu này vẫn còn tiềm năng tăng trưởng.

Xét bối cảnh chung, chỉ số VN-Index đang có cơ hội để được nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi. Triển vọng này đã và đang giúp Việt Nam thu hút một lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) rất lớn. Khi các quỹ ngoại đầu tư rót vốn vào, đích đến đầu tiên của họ sẽ là các mã cổ phiếu blue chips đầu ngành. Ở khía cạnh này, các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết như VCB, HDB, MBB, ACB… sẽ là những cổ phiếu được hưởng lợi đầu tiên.

Bên cạnh đó, khi diễn biến thị trường thuận lợi, việc các ngân hàng muốn tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu thưởng hay trả cổ tức bằng cổ phiếu… cũng sẽ dễ dàng được thị trường chấp nhận. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những ngân hàng đang có kế hoạch niêm yết hoặc áp lực phải sáp nhập hay tăng vốn ngay trong năm 2018.

Ghi nhận thực tế trong thời gian qua cho thấy, dòng tiền chảy vào cổ phiếu ngân hàng trong năm 2018 đối với các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn sẽ ít hơn do diễn biến tăng giá của cổ phiếu. Trái lại, đối với các cổ phiếu chưa niêm yết, dòng tiền đầu cơ lướt sóng vào cổ phiếu ngân hàng trong năm 2018 sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các nhà đầu tư chiến lược.

Theo đà này, giới chuyên môn dự đoán năm 2018, cổ phiếu ngân hàng sẽ trở thành “cơn sóng thần” khi tạo ra cơn lốc giao dịch trên TTCK. Bởi theo kế hoạch, ngay sau HDBank sẽ là Techcombank, TPBank và OCB.

Đây là điểm tương đối quan trọng, có thể dẫn đến việc bứt phá, chia lại “miếng bánh” thị phần giữa các TCTD của ngành Ngân hàng trong thời gian tới.

Quỳnh Chi