|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu đường gặp 'đối thủ' Vinamilk

10:38 | 02/02/2018
Chia sẻ
Suốt từ đầu tháng 12 năm ngoái đến nay, cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường Vinamilk giao dịch quanh đi quẩn lại ở 200.000 đồng. Trong khi cùng thời gian trên VN-Index đã tăng ngoạn mục từ 960 điểm lên 1.110 điểm (ngày 30-1-2018), tương đương tăng 15,6% và nhiều blue-chips khác thậm chí tăng gấp đôi thị trường chung. Có vẻ như các nhà đầu tư không còn chuộng những cổ phiếu có thị giá cao và có các chỉ số cơ bản với sự đi lên ổn định.
co phieu duong gap doi thu vinamilk Vinamilk báo lãi cao nhất lịch sử với gần 10.300 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch
co phieu duong gap doi thu vinamilk Ngành đường lo ứng phó với ATIGA

Khi mà dường như bị giới đầu tư bỏ quên, Vinamilk đã thực hiện kế hoạch M&A và đầu tư mới, cụ thể là đặt chân vào mía đường và sản xuất nước uống thiên nhiên từ trái dừa tươi. Đại diện một quỹ đầu tư ngoại tầm cỡ và thâm niên trên thị trường cho biết “chúng tôi vẫn đang theo sát bước chân Vinamilk”. Theo vị này, sau khi mua xong Công ty Đường Khánh Hòa, Vinamilk đang thương lượng mua lại một số nhà máy đường của Ấn Độ.

co phieu duong gap doi thu vinamilk

Sản xuất tại Nhà máy đường Khánh Hòa. Ảnh: http://ktv.org.vn

Trong buổi gặp gỡ trước Tết với các phương tiện truyền thông, đại diện Vinamilk khẳng định việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tinh luyện đường không chỉ đảm bảo cho Vinamilk lượng đường dùng trong sản xuất sữa, mà công ty sẽ bán đường sản phẩm ra thị trường thông qua hệ thống kênh phân phối sẵn có. Giá bán đường của Vinamilk sẽ rất cạnh tranh.

Có thể thấy việc tự giải quyết được nguồn cung đường sẽ giúp Vinamilk hạ giá thành sản phẩm sữa, nâng cao biên lợi nhuận ròng. Ngoài ra đại diện công ty cũng thông tin về việc đầu tư vào nhà máy sản xuất nước dừa ở Bến Tre. Bên cạnh các sản phẩm nước trái cây, tới đây Vinamilk sẽ tung ra thị trường nước dừa tươi đóng hộp.

Sự “bành trướng” sang ngành đường của Vinamilk đang khiến những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực này đau đầu. Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT-Hose) hay Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS-UpCom) rõ ràng không thể “ngồi yên”. SBT có hệ số sử dụng đòn bẩy tài chính cao, các giao dịch kinh doanh giữa các thành viên nội bộ dày đặc.

Và dù muốn hay không, cũng phải thừa nhận hệ thống phân phối của SBT không thể phủ sóng rộng khắp cả nước như Vinamilk. Chưa kể Vinamilk không vay nợ ngân hàng, luôn có nguồn tiền mặt lớn. Đầu tư sản xuất đường từ tiền tươi thóc thật là yếu tố tạo sức cạnh tranh áp đảo cho đường thành phẩm của Vinamilk.

Trước đây Vinamilk là một trong những khách hàng tiêu thụ đường hàng đầu của SBT. Nay khách hàng trở thành đối thủ! Biết đâu những khách hàng truyền thống của SBT như Tân Hiệp Phát, Pepsi, Coca-Cola... sẽ chuyển sang mua đường của Vinamilk nếu giá bán đường của Vinamilk cạnh tranh hơn. SBT cũng sớm nhận ra điều đó và công ty đã bắt tay cùng tập đoàn Kinh Đô để tận dụng kênh phân phối của Kinh Đô trong tiêu thụ đường. Tuy nhiên Kinh Đô sau khi bán mảng bánh kẹo cho nước ngoài, đã trở thành một Kinh Đô khác.

Thị giá cổ phiếu SBT đã điều chỉnh mạnh thời gian qua và hiện xấp xỉ 20.000 đồng, giảm 60% so với mức đỉnh thiết lập vào quí 3 năm ngoái. Thị giá QNS cũng lao dốc từ gần 80.000 đồng vào tháng 8-2017 xuống 45.000 đồng hiện tại. Quí 2-2017 đã có thời điểm giá cổ phiếu QNS giao dịch cả tháng ở gần 100.000 đồng.

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS-Hose) thì “giẫm chân tại chỗ” ở vùng giá 11.000-12.000 đồng cả năm nay. Công ty cổ phần Đường Kon Tum (KTS-Hnx) cũng không khá hơn khi cổ phiếu lao dốc từ gần 50.000 đồng quí 3-2017 về 28.300 đồng ngày 30-1-2018.

Từ nhiều năm nay, đường nhập lậu đã khiến ngành sản xuất đường trong nước khó khăn. Nguyên nhân là giá thành sản xuất đường của Việt Nam còn cao. Ngành đường nội địa chỉ có thể thắng trong cuộc chiến hàng nhập lậu nếu nâng được chất lượng, tăng năng suất cây mía, đồng thời giảm chi phí quản lý, chi phí tài chính để có giá thành sản xuất ngang với đường Thái Lan và các nước trong khu vực. Với tiềm lực tài chính mạnh, cộng với quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, Vinamilk có thể tạo bước đột phá cho ngành đường Việt Nam.

Vinamilk, các doanh nghiệp ngành đường đều chưa công bố kết quả kinh doanh quí 4 và cả năm 2017. Trong số các blue-chips thượng hạng, tốp 10 cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn Hose, các cổ phiếu như GAS, VCB, HPG, MSN, SAB, VJC, VRE đã lần lượt công bố lợi nhuận sau thuế năm ngoái. SAB, HPG, GAS, VJC có lợi nhuận khả quan khi EPS của GAS đạt 5.144 đồng/cổ phiếu; SAB 7.230 đồng/cổ phiếu; HPG 5.270 đồng/cổ phiếu; VJC 10.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ số P/E của HPG đang thấp nhất tốp 10, ở mức 12 lần, sau đó là VJC 19 lần, GAS 22 lần, VCB 27 lần.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu như Vinamilk, đường năm 2017-2018 không thể nào so sánh với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính như ngân hàng chứng khoán, đặc biệt khi ngân hàng vừa bước ra khỏi thời kỳ khủng hoảng và nợ xấu. Nhưng các doanh nghiệp như Vinamilk lại có thế mạnh riêng, đó là quy mô, vị thế dẫn đầu và sự ổn định của hiệu quả kinh doanh trong ngắn cũng như trung, dài hạn. Xét cho cùng, danh mục đầu tư của các tổ chức không thể thiếu mã chứng khoán này.

Thành Nam