|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cổ phần vàng

09:17 | 26/09/2016
Chia sẻ
Đại diện Bộ Tài chính cho biết rằng Nhà nước có thể nắm “cổ phần vàng” để có quyền phủ quyết liên quan đến vấn đề thương hiệu . Như vậy, dường như đây là cách thức mà Nhà nước định sử dụng để giữ các thương hiệu quốc gia khi thoái vốn khỏi Habeco, Sabeco, Vinamilk...
 3195
Nhà nước có thể nắm “cổ phần vàng” để có quyền phủ quyết để giữ các thương hiệu quốc gia khi thoái vốn khỏi Habeco, Sabeco, Vinamilk... Ảnh minh họa: Một góc nhỏ nhà máy sản xuất sữa nước của Vinamilk tại Bình Dương Ảnh TL TBKTSG

Cổ phần vàng là gì?

“Cổ phần vàng” (golden share) hay “cổ phần đặc biệt” (special share) là loại cổ phần thường được nắm giữ bởi Chính phủ trong các công ty nhà nước được cổ phần hóa hoạt động trong lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia như hàng không, quốc phòng, viễn thông.

Loại cổ phần này, dù rằng mệnh giá chỉ một đô la, lại cho phép người nắm giữ (tức là cổ đông vàng) có những đặc quyền liên quan đến hoạt động của một công ty. Ví dụ, cổ đông vàng có thể phủ quyết một quyết định nào đó của đại hội đồng cổ đông. Hoặc cổ đông vàng đó sẽ luôn có một ghế trong hội đồng quản trị công ty. Cũng có khi cổ phần vàng được sử dụng để Nhà nước “chốt” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp ở một mức nhất định (2).

Cổ phần vàng được sử dụng phổ biến bởi chính phủ các nước châu Âu và Vương quốc Anh trong những năm 1970 và 1980. Chính phủ những nước này sử dụng cổ phần vàng với lập luận rằng cổ phần vàng là cần thiết để chính phủ, dù đã tiến hành tư nhân hóa các công ty nhà nước, vẫn có thể thực hiện một số chính sách vì lợi ích của công chúng (3).

Dù rằng việc có nhất thiết phải sử dụng các biện pháp để giữ các “thương hiệu quốc gia” hay không cần được xem xét thêm, việc Chính phủ chủ động tham khảo các biện pháp pháp lý mà nhiều nước khác đã áp dụng như cổ phần vàng là một điều đáng mừng.

Chính phủ các nước Hà Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Ý từng nắm giữ cổ phần vàng trong các công ty được cổ phần hóa, tuy nhiên đã bị Tòa án Công lý châu Âu tuyên là trái với nguyên tắc tự do di chuyển vốn (freedom of capital movements) của Liên minh châu Âu (4).

Gần đây nhất, Chính phủ Anh dự kiến sẽ nắm cổ phần vàng trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia sau khi phê duyệt dự án Hinkley Point (một nhà máy điện hạt nhân có Trung Quốc góp vốn) để giúp Chính phủ Anh được quyền không cho phép bất kỳ vụ bán cổ phần chi phối nào trong các dự án này vì mục đích an ninh quốc gia (5).

Việt Nam sẽ sử dụng cổ phần vàng như thế nào?

Thông thường, hiệu lực của cổ phần vàng thường được hạn chế đến mức tối thiểu để đảm bảo rằng Nhà nước sẽ không can thiệp vào công việc hàng ngày của doanh nghiệp. Đây cũng là một đặc điểm cơ bản của cổ phần vàng đã được sử dụng ở các nước khác.

Chưa rõ cách thức cụ thể Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng cổ phần vàng ra sao trong những thương vụ thoái vốn sắp tới. Đó có thể là một cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng nhưng cho phép Chính phủ (thông qua Bộ Công Thương, SCIC) nhiều phiếu biểu quyết hơn tại đại hội đồng cổ đông của những công ty “gà đẻ trứng vàng” nói trên với mức đủ để bác bỏ một nghị quyết ảnh hưởng bất lợi đến thương hiệu quốc gia. Hoặc đơn giản hơn là theo hướng một nghị quyết như vậy sẽ phải có được sự nhất trí của cổ đông nắm giữ cổ phần vàng.

Hiện tại, pháp luật Việt Nam có quy định về cổ phần ưu đãi biểu quyết. Theo đó, đây là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với mức một cổ phần một phiếu biểu quyết của cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định. Tổ chức được Chính phủ ủy quyền có thể nắm giữ loại cổ phần này.

Luật Việt Nam cũng cho phép một công ty phát hành cổ phần ưu đãi loại khác (ngoài ba loại cổ phần cụ thể ưu đãi về biểu quyết, cổ tức và hoàn lại). Cổ phần vàng cũng có thể được xem là một loại cổ phần ưu đãi loại khác này.

Những thử thách cần thiết

Để mấy công ty “gà đẻ trứng vàng” có thể phát hành cổ phần vàng, trước hết Chính phủ phải thuyết phục các cổ đông khác sửa đổi điều lệ công ty. Sửa là để cho phép công ty phát hành cổ phần vàng. Vì luật định rằng cổ phần phổ thông (loại mà Nhà nước đang nắm giữ) không được chuyển thành cổ phần ưu đãi. Sửa cũng là để chèn thêm các điều khoản đảm bảo cho cổ phần vàng có thể phát huy tác dụng, ví dụ như cổ đông nắm giữ cổ phần vàng cũng sẽ được quyền phủ quyết việc sửa đổi Điều lệ công ty theo hướng làm mất giá trị của cổ phần vàng, hoặc cấm công ty không được phát hành “cổ phần kim cương” với các ưu đãi cao hơn cổ phần vàng. Mà sửa đổi điều lệ công ty thường cần phải có đa số cổ đông đồng ý.

Ngoài ra, mấy công ty đó sẽ phải thực hiện thủ tục phát hành cổ phần riêng lẻ cho riêng cổ đông đại diện cho Chính phủ (Bộ Công Thương hay SCIC). Việc phát hành vậy cũng cần một nghị quyết của đại hội đồng cổ đông. Trong khi đó, việc cổ đông đại diện cho Chính phủ có được biểu quyết hay không là một vấn đề sẽ gây tranh cãi. Vì sẽ không hợp lý nếu cổ đông đó vừa là bên có liên quan, hưởng lợi từ việc phát hành, lại vừa có quyền biểu quyết.

Dù rằng việc có nhất thiết phải sử dụng các biện pháp để giữ các “thương hiệu quốc gia” hay không cần được xem xét thêm, việc Chính phủ chủ động tham khảo các biện pháp pháp lý mà nhiều nước khác đã áp dụng như cổ phần vàng là một điều đáng mừng. Có vẻ như Chính phủ đã sẵn lòng hơn với các thông lệ tốt trên thị trường. Bằng việc thuyết phục được các cổ đông khác sửa đổi điều lệ công ty, Chính phủ không cần ban hành luật mới để áp đặt (như một số nước đã làm) mà biến cổ phần vàng trở thành một thỏa thuận mang tính dân sự.

Bài học cho doanh nhân

Nắm giữ cổ phần vàng cũng có thể là một lựa chọn cho cổ đông của các doanh nghiệp “gia truyền” hoặc doanh nghiệp xã hội.

Chủ của những doanh nghiệp với thương hiệu được gầy dựng từ đời này qua đời khác cũng có lúc phải đứng trước nhu cầu thu hút vốn để có thể khuếch trương kinh doanh hoặc thậm chí là bán lại sản nghiệp cho nhà đầu tư khác. Nếu họ có chút vương vấn với thương hiệu cha ông mình để lại có thể cân nhắc nắm giữ cổ phần vàng để bảo vệ thương hiệu khi cần (sự vương vấn này thường nặng tính tình cảm vì giá trị thương hiệu đã được tính trong giá “thuận mua vừa bán”).

Hoặc cổ đông sáng lập của doanh nghiệp xã hội muốn giữ vững sứ mệnh phục vụ cộng đồng cũng có thể nắm cổ phần vàng.

--

(1) “Bán vốn nhà nước tại Vinamilk ngay năm nay”, báo điện tử VnExpress

(2) Xem về “Golden share” trên trang Wikipedia và các bài viết được viện dẫn

(3) Xem thêm “Going for gold - How golden shares can help lock in mission for social enterprise”, Hogan Lovells

(4) Xem Hướng dẫn án lệ (case law guide) về điều 63 và các điều có liên quan của hiệp ước về hoạt động của Liên minh châu của Tòa án Công lý châu Âu

(5) Xem thêm “Hinkley Point: UK approves nuclear plant deal” đăng trên www.bbc.com

Bộ Tài chính tính đến giải pháp cổ phần vàng Tiến trình thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT, Bảo Minh... do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý vừa được ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp Bộ Tài chính - cho biết tại cuộc họp báo cuối ngày 14-9. Theo đó, SCIC đã lên kế hoạch và sẽ bắt đầu bán vốn của Vinamilk ngay trong năm 2016. Chín doanh nghiệp còn lại sẽ lên kế hoạch để làm trong năm nay và đầu năm sau. Thừa nhận khi đấu giá công khai thì không thể có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định vẫn có cách thức để Nhà nước có quyền phủ quyết dù không nắm lượng lớn cổ phần thông qua những rào cản kỹ thuật. Ông cho biết, theo kinh nghiệm tại một số doanh nghiệp trên thế giới, họ sử dụng hình thức “cổ phần vàng” - cổ phần có quyền biểu quyết một số vấn đề như về thương hiệu. “Thường các quốc gia nếu không muốn giữ tỷ lệ lớn cổ phần nhưng vẫn muốn quyền biểu quyết về vấn đề thương hiệu sẽ giữ cổ phần vàng”, ông nói. (Theo Vnexpress.net)

Theo Luật sư Trương Hữu Ngữ

TBKTSG