Cổ phần hoá, vốn trái phiếu vào 'tầm ngắm' giám sát tối cao
|
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định hai trong 4 nội dung.
1. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
2. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.
3. Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
4. Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Cả 4 chuyên đề đều được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, lựa chọn.
Chuyên đề nào cũng “nóng”
Chọn chuyên đề thứ hai, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) cho rằng cần giám sát xem nguồn lực rất thiếu nhưng đã được đặt vào đúng chỗ hay chưa và có hiệu quả hay không. Bởi qua kết qủa kiểm toán cho thấy còn tình trạng chỗ cần thì không có, chỗ không cần lại được phân bổ, dùng không hết.
“Quốc hội là người biểu quyết quyết định các dự án lớn, nếu không kiểm soát thì dẫn đến thừa hoặc thiếu”, ông Hoàng Anh phát biểu.
Vị đại biểu hiện là Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng cũng cho rằng hiện nay phân bổ nguồn lực (vốn) có sự không công bằng khi mà những nơi đã có nhiều cơ hội phát triển lại được đầu tư nhiều.
Chuyên đề thứ hai cũng được nhiều vị khác chọn, với lý do đây là mảnh đất dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí.
Tuy nhiên, một số vị đại biểu chọn chuyên đề 1. Quá trình cổ phần hoá hiện nay chậm là do các bộ không muốn “thả”, mà các chủ doanh nghiệp lớn cũng không muốn cổ phần hoá, theo đại biểu Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai).
Đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) - người hiện là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương - nhận xét về lĩnh vực kinh tế, việc giám sát chuyên đề 1 hay chuyên đề 2 đều “nóng”.
“Nói về doanh nghiệp Nhà nước, ông này chiếm tới 70% đất, 70% vốn đầu tư xã hội mà hiệu quả như thế. Còn về chuyện vay nợ, nói thật là đất nước còn nghèo và vì nghèo nên mới phải vay. Nếu suy rộng từ chuyện trong nhà, gia đình có khó bố mẹ mới phải đi vay về nuôi con nhưng con cái trong nhà lại “chén” hết, ăn hết thì nguy lắm”, vị Trưởng ban Đối ngoại Trung ương phát biểu.
“Ta cứ hồn nhiên, vô tư vay nợ thì không chỉ con phải trả mà đời cháu chắc chắn vẫn phải trả nợ”.
Chờ thảo luận toàn thể để chọn
Chuyên đề 3, theo một số vị đại biểu thì cũng rất cần giám sát tối cao. Vì hiện nay cứ mỗi ngày có khoảng 30 người sáng ra khỏi nhà tối đã không thể trở về vì tai nạn giao thông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đánh giá, vấn đề tai nạn giao thông hiện đã đến “ngưỡng”. Thời gian qua, nỗ lực của ngành đã giúp kéo giảm nhiều tỷ lệ tai nạn nhưng để giảm sâu hơn nữa thì rất khó.
“Vấn đề căn cơ nhất của tai nạn là vì cơ cấu đầu tư cho giao thông mất cân đối, nguồn vốn dành cho phát triển đường sắt giảm chưa được 1%, đường thuỷ chỉ 1%, mà đây đáng ra là những loại hình vận tải chủ chốt”, ông Nghĩa phân tích.
Điều đó, theo Bộ trưởng Nghĩa, không chỉ làm tai nạn tăng cao vì áp lực dồn lên đường bộ mà còn tác động tới hiệu quả của cả nền kinh tế vì chi phí vận tải hiện chiếm tới 60% trong logicstic trong khi logicstic chiếm tới 20% GDP của Việt Nam.
“Áp lực tai nạn, áp lực kinh tế đang chồng chất hết lên đường bộ rồi”, ông nói
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét, tai nạn giao thông quả là kinh khủng, khi tính trung bình mỗi ngày 24 -25 người chết, đó là còn chưa kể hệ quả những người bị thương, mất khả năng lao động, mất việc làm, các gia đình bị nghèo hoá.
Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng muốn thực hiện chuyên đề giám sát này để thấy, vấn đề đặt ra không chỉ là kéo giảm số người chết hàng ngày từ 24 xuống 15 hay 20 người, mà việc này liên quan đến chuyện hoạch định chính sách tới đây cho cả nền kinh tế.
Nhiều đại biểu khác thì quan tâm đến chuyên đề 4.
Cũng nghiêng về chuyên đề này, Bộ trưởng Nghĩa chia sẻ hình ảnh ám ảnh với ông về một xã nghèo chỉ làm được một vụ lúa đã trở thành điểm nóng tệ nạn, thành nơi điển hình của tỉnh về tệ uống rượu. Mỗi ngày trung bình người dân trong xã xài hết 250 lít rượu.
Việc chọn hai chuyên đề nào trong số 4 chuyên đề nói trên sẽ được quyết định sau phiên thảo luận toàn thể và có thể qua cả phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/