Cổ phần hoá hơn 33 doanh nghiệp Nhà nước trị giá hơn 80.600 tỷ đồng
Báo cáo về hoạt động cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết: Giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã cổ phần hóa thành công hơn 508 DN, năm 2016, có 58 DN được phê duyệt cổ phần hoá.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam thuộc danh mục các DNNN phải cổ phần hóa nhiều công ty con trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tính đến hết 8 tháng năm 2017, đã có hơn 33 DN được phê duyệt phương án cổ phần hoá, giá trị thực tế vào khoảng 80.600 tỷ đồng (gấp 3 lần vốn điều lệ).
Như vậy, tính trung bình giá trị của mỗi DN hiện là khoảng 2.400 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với giá trị của bình quân của các giai đoạn trước là 1.500 tỷ đồng và hơn 600 tỷ đồng/mỗi DN giai đoạn 2011 - 2015 và năm 2016).
Trong giai đoạn 2911 - 2015, số vốn DNNN được thoái khoảng 761.800 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước gần 200.000 tỷ đồng. Giá trị thực tế gấp gần 4 lần so với vốn điều lệ.
Đến năm 2016, số giá trị thực tế được lên kế hoạch thoái vốn của 58 DN là gần 35.000 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần vốn điều lệ.
Uỷ ban Kinh tế cho biết, trong tổng số 44 DNNN dự kiến cổ phần hóa năm 2017, 33 DN được phê duyệt phương án cổ phần, trong đó 10 DN sẽ được cổ phần hóa ngay trong năm 2017.
Theo nhiệm vụ cổ phần hoá, từ năm 2016 - 2020, 137 DNNN sẽ phải cổ phần hoá, trong đó có các DN lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty cao su, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)...
Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, thoái còn rất nhiều tồn tại như tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa của một số bộ, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu và kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ vốn Nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần DN. Đặc biệt, số DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hóa (trên 49%) còn lớn, nên làm giảm mức độ hấp dẫn của nhà đầu tư.