|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Kẻ chậm chân, người vội vã

13:45 | 03/07/2017
Chia sẻ
Tính đến tháng 6/2017, chỉ có 19 doanh nghiệp Nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tiến độ đang chậm hơn so với năm 2016. Nhiều doanh nghiệp lớn còn đang chậm tiến độ IPO so với kế hoạch cả năm trời.
co phan hoa doanh nghiep nha nuoc ke cham chan nguoi voi va
Đến năm 2020, 137 doanh nghiệp Nhà nước sẽ trong diện cổ phần hóa

Các doanh nghiệp nhà nước lỗi hẹn cổ phần hóa

Tại buổi họp báo mới đây, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nêu tiến độ cổ phần hóa năm nay chậm hơn so với năm 2016. Theo ông Tiến, việc chậm cổ phần hóa DNNN hiện nay là do tư tưởng ỷ lại, chần chừ, chưa quyết liệt của các lãnh đạo doanh nghiệp.

Ông Tiến chỉ ra ví dụ, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) từng hứa phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trong năm 2016 nhưng hiện đã kéo dài sang tận năm nay.

Cụ thể, theo kế hoạch IPO của Vinafood 2 ban đầu được công bố, Công ty dự kiến triển khai đấu giá cổ phiếu vào ngày 30/8/2016, thời gian chính thức thành công ty cổ phần là ngày 1/10/2016 nhưng đến nay kế hoạch này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Nguyên nhân chậm cổ phần hóa được Vinafood 2 đưa ra chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh của TCT gặp nhiều bất lợi, không đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2012 – 2015.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiến chỉ đạo về việc gia hạn bán cổ phần lần đầu, qua đó gia hạn thời gian bán cổ phần lần đầu đối với Vinafood 2 tối đa là 3 tháng kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa.

co phan hoa doanh nghiep nha nuoc ke cham chan nguoi voi va
Vinafood 2 đang lỗi hẹn cổ phần hóa hơn 1 năm

Không chỉ Vinafood 2, một doanh nghiệp Nhà nước khác cũng lỡ hẹn với cổ phần hóa khi không thể hoàn thành kế hoạch đề ra, đó là Tổng công ty Điện lực – Dầu khí Việt Nam (PV Power).

PV Power từng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa vào tháng 8/2016, dự kiến đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài (IPO) vào tháng 10/2016; tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, đăng ký doanh nghiệp, ra mắt công ty cổ phần vào tháng 12/2016.

Tuy nhiên phải đến thời điểm giữa tháng 4 năm 2017, PV Power mới được chính thức định giá giá trị doanh nghiệp đạt 60.623 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại PV Power là 33.556 tỷ đồng.

Phương án cổ phần hóa PV Power dự kiến sẽ được phê duyệt trước tháng 30/6/217, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có thông tin gì. Thời điểm IPO kế hoạch vào cuối tháng 8/2017 vẫn còn đang bỏ ngỏ.

co phan hoa doanh nghiep nha nuoc ke cham chan nguoi voi va
PV Power đang bỏ ngỏ khả năng IPO tròn tháng 8

Một trường hợp hợp khác là Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) đã từng trình lên Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa để đảm bảo mục tiêu IPO trong tháng 6 năm 2017.

Kế hoạch Công ty dự kiến bán đến 51% vốn nhà nước trong đợt IPO này, trong đó bán cho cổ đông chiến lược từ 39 - 44%, bán thông qua đấu giá công khai (IPO) 6 - 10% và ưu đãi cho CNCNV 1%. Tuy nhiên đến tháng 5/2017, PV Oil đính chính lại lộ trình IPO và cho biết kế hoạch có thể sẽ lùi lại đến tháng 7.

Vừa qua, PV Oil cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2017 với doanh thu tăng 67% so với cùng kỳ, đạt 12,69 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 222 tỷ đồng so với mức lỗ 105 tỷ đồng trong quý 1 năm ngoái. Theo kết quả xác nhận của Kiểm toán Nhà nước, PVOIL được xác định có giá trị doanh nghiệp là 10.342 tỷ đồng.

Gấp rút cổ phần hóa kịp tiến độ

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà theo hình thức kết hợp bán bớt phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Theo quyết định của Thủ tướng, Tổng công ty Sông Đà - Công ty Cổ phần (Sông Đà) có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng được chia làm 450 triệu cổ phiếu.

Trong đó, 229,5 triệu cổ phần Nhà nước sẽ nắm giữ, chiếm 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019, năm 2020 bán tiếp phần vốn nhà nước còn nắm giữ tại doanh nghiệp này xuống dưới 50% vốn điều lệ.

Số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 822.000 cổ phần, chiếm 0,183% vốn điều lệ; 135 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 30% vốn điều lệ và gần 85 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 18,82% vốn điều lệ.

co phan hoa doanh nghiep nha nuoc ke cham chan nguoi voi va
Cổ phần hóa Sông Đà - Nhà nước nắm 51% vốn cổ phần

Hai "ông lớn" đất Bình Dương là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) và Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim) cũng đang rục rịch kế hoạch IPO sau nhiều năm lỗi hẹn nhưng chỉ có Becamex IDC là đã chốt phương án.

Đầu tháng 6/2017, Becamex IDC đã được Thủ tướng duyệt phương án cổ phần hóa. Theo đó, phần vốn nhà nước tại Công ty sẽ được giữ nguyên, cổ phiếu sẽ được phát hành thêm để tăng vốn.

Vốn điều lệ của Becamex IDC Corp 13.170 tỷ đồng (tương đương 1,317 tỷ cổ phiếu) trong đó nhà nước nắm giữ hơn 670 triệu cổ phiếu (tương ứng 51% vốn). Lượng cổ phiếu bán đấu giá công khai khoảng 311 triệu (chiếm 23,63% vốn điều lệ), bán cho cổ đông chiến lược hơn 329 triệu cổ phiếu (tương đương 25% vốn). Lượng nhỏ vốn cổ phần còn lại sẽ được Becamex IDC Corp đem bán cho người lao động trong doanh nghiệp, tỷ lệ 0,37%.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thời điểm kết thúc quý I năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết đã thực hiện thoái vốn tại các đơn vị ngoài ngành, thu về 2.252 tỷ đồng, lãi 288 tỷ đồng. Đồng thời dự kiến trong quý II/2017, VRG sẽ tiến hành IPO mà cụ thể là tháng 7.

Đến năm 2020 sẽ cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước

Thời điểm đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định nêu rõ danh mục 240 doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp lại trong giai đoạn 2016 – 2020. Danh sách gồm 103 doanh nghiệp nhà nước dự định nắm giữ nguyên 100% vốn điều lệ, còn lại 137 doanh nghiệp nhà nước sẽ được lên kế hoạch cổ phần hóa trong giai đoạn này.

Các doanh nghiệp Nhà nước được đưa vào diện cổ phần hóa phải kể đến như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam – Công ty mẹ, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, TCT Lương thực miền Bắc, TCT Cà phê Việt Nam, TCT Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam....

Trong năm 2016, đã có 55 doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa thành công, trong đó các doanh nghiệp trực thuộc bộ Quốc phòng, bộ Công Thương, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu.

5 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa tăng thêm 15 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc bộ Quốc phòng tiếp tục chiếm ưu thế về tốc độ cổ phần hóa khi chiếm tỷ trọng 10/15 doanh nghiệp. Tuy nhiên tính đến tháng 6/2017 mới chỉ có 19 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tiến độ đang chậm hơn so với năm 2016.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bạch Mộc