|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Có nên cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam?

20:10 | 28/07/2017
Chia sẻ
Ngày 28/7, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội nghị về việc sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam và thế giới.
co nen cam su dung amiang trang tai viet nam
Amiăng trắng là nguyên liệu đầu vào hữu ích cho nhiều sản phẩm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, với những tính năng ưu việt vượt trội như độ bền cơ học, tính đàn hồi cao, chịu ma sát tốt, chống cháy, ngăn cản vi khuẩn… amiăng trắng được coi là loại nguyên liệu đầu vào hữu ích cho hơn 3.000 sản phẩm.

Loại sợi này được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm fibro xi măng, các vật liệu cách điện, cách nhiệt, ngành ô tô, ngành hàng không, đóng tàu, dược, dầu mỏ, sản xuất vật liệu chống cháy…

Tuy nhiên, tại một số nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang tồn tại quan điểm trái chiều liên quan đến việc có nên tiếp tục cho phép sử dụng amiăng trắng một cách an toàn và có kiểm soát hay cấm sử dụng loại sợi này do lo ngại khả năng amiăng trắng gây ung thư cho con người khi tiếp xúc.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp có sử dụng sợi amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng có truyền thống tới hàng chục năm nay đang hoạt động trong lo lắng, cầm chừng.

Trong khi đó, người dân nghèo lại không đủ tiền mua vật liệu khác và có ý kiến cho rằng, đây là cơ hội để “dẹp” sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho nhập lậu tấm lớp fibro xi măng. Từ thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị, các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá một cách khoa học, toàn diện những tác động của amiăng trắng đối với sức khoẻ con người và môi trường. Trên cơ sở đó, các đại biểu sẽ đề nghị xây dựng các chính sách quản lý và chương trình hành động quốc gia sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, người lao động, sản xuất, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội và niềm tin của người dân vào chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước cũng như cam kết của Việt Nam với quốc tế. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh cho biết, tại Việt Nam, amiăng trắng được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp ứng dụng như: sản xuất vật liệu chống ma sát, sản xuất phân lân nung chảy, làm phân NPK… Sản phẩm có chứa amiăng bao gồm sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Ông Lê Hồng Tịnh nhấn mạnh, đề xuất cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam vào năm 2020 cần được xem xét một cách thấu đáo dựa trên các Hiệp ước Quốc tế và pháp luật hiện hành của Việt Nam. Theo đó, các nước thành viên trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á – Âu đều yêu cầu phải có thông báo, tham vấn và đàm phán trước khi có bất kỳ ý định ban hành lệnh cấm nào và phải có các bằng chứng khoa học cho lệnh cấm đó.

Tại Khoản 2, Điều 7 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 đã quy định kinh doanh sản phẩm amiăng trắng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Điều 32 của Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về Quản lý Vật liệu xây dựng quy định cho phép sử dụng có kiểm soát các sản phẩm vật liệu xây dựng có sử dụng amiăng trắng.

"Việc cấm sử dụng amiăng trắng cần thiết phải có sự xem xét thận trọng lợi ích của các bên liên quan và cần thiết phải có những nghiên cứu cụ thể hơn nữa tại Việt Nam về ảnh hưởng của amiăng trắng để có được cách tiếp cận xử lý chính xác cũng như đáp ứng đúng tinh thần Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư về ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Việc xây dựng lộ trình cấm cũng cần thực hiện đối với từng loại sản phẩm riêng biệt để giúp doanh nghiệp có thời gian thích hợp để có thể thực hiện chuyển đổi với chi phí thấp nhất", Phó Chủ nhiệm Lê Hồng Tịnh phân tích.

Ngoài ra, theo ông Lê Hồng Tịnh, cần xem xét đến gánh nặng kinh tế cho Chính phủ nếu ban hành lệnh cấm sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng trong bối cảnh đất nước còn nhiều hạng mục cần ưu tiên phát triển.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra các giải pháp sử dụng sợi thay thế. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy sản phẩm thay thế không đạt được kỳ vọng do tuổi thọ thấp, chi phí cao, không phù hợp với môi trường khí hậu ở Việt Nam và nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.

"Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên môn tập trung nghiên cứu đánh giá một cách khoa học, toàn diện những tác động của amiăng đối với sức khỏe con người và môi trường, không chỉ trong ngành tấm lợp fibro xi măng mà trong ngành công nghiệp khác, trên cơ sở đó xây dựng các chính sách quản lý sao cho phù hợp với quy định của quốc tế và Việt Nam, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội bảo đảm quyền lợi của người lao động, người sản xuất cũng như người tiêu dùng", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh nhấn mạnh. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ, hiện có khá nhiều nghiên cứu từ nhiều góc độ, quy mô khác nhau của quốc tế và Việt Nam về sử dụng amiăng trắng.

Các nghiên cứu này chưa đưa ra bằng chứng rõ ràng, chưa thuyết phục được nhóm phản đối cấm amiăng trắng về vấn đề ung thư do amiăng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia y tế cho rằng, không cần nghiên cứu thêm về bằng chứng ở Việt Nam vì không đủ điều kiện để nghiên cứu toàn diện mà sử dụng bằng chứng quốc tế là đủ. Hầu hết các quốc gia đều quy định rất chặt chẽ về amiăng trắng dù cấm hay không cấm, song số nước vẫn còn sử dụng, sản xuất gấp 3 lần số nước cấm (57 nước cấm hoàn toàn, 145 nước cho phép sử dụng).

Các nghiên cứu cũng cho rằng, chưa có vật liệu thay thế tương tự về giá thành và chất lượng, phù hợp với điều kiện chuyển đổi công nghệ của các doanh nghiệp; thậm chí khi cấm amiăng thì chi phí Chính phủ phải bỏ ra tốn gấp nhiều lần so với chi phí mà các doanh nghiệp và xã hội mất đi.

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng vật liệu amiăng là có thật và phù hợp với mức thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng nước ta, đặc biệt là phù hợp với điều kiện khí hậu vùng sương muối, vùng bão lũ và vùng biển. Trên cơ sở các phân tích này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc sử dụng và sản xuất amiăng trắng cần thận trọng và nhìn nhận khách quan, không nóng vội, cân nhắc kỹ mặt lợi, hại của vấn đề và cần đánh giá đầy đủ tác động xã hội và chi phí xã hội, nhà nước khi quyết định.

Việc loại bỏ amiăng trắng cần được nhìn tổng thể cả về góc độ y tế, sức khoẻ, kinh tế nhưng cũng phải hài hoà khi nhìn từ góc độ nhà đầu tư, sản xuất và người lao động liên quan.

Tuy nhiên, thực hiện việc này phải có lộ trình rõ ràng và có bước chuyển tiếp để công khai và tất cả các bên cùng đồng thuận nhằm chủ động tuyên truyền để người dân hiểu, chia sẻ và thích ứng; đồng thời đủ thời gian chuẩn bị về văn bản pháp lý và đủ thời gian để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động chuyển đổi.

Vì thế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần ngồi lại với nhau để trao đổi và tìm ra phương án đồng thuận.

Nếu cần, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ tổ chức giám sát chuyên đề để quyết định. Các cơ quan quản lý Nhà nước và các hiệp hội, doanh nghiệp và kể cả chính quyền địa phương phải có báo cáo đầy đủ về vấn đề này. Ông Ngọ Duy Hiểu (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và nghiên cứu quốc tế cho thấy rõ ràng, amiăng là chất gây ung thư cho phổi, thanh quản, buồng trứng…

Theo Tổ chức Y tế thế giới hiện có khoảng 125 triệu người trên thế giới bị phơi nhiễm bởi amiăng tại nơi làm việc và khoảng 107.000 người bị chết hàng năm do bị ung thư liên quan đến amiăng.

Với quan điểm “không để người công nhân bị ốm đau, bệnh tật vì chính môi trường lao động của họ”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cấm sử dụng amiăng từ năm 2020 và có lộ trình phù hợp trong đó tính đến việc đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp chuyển đổi, quyền lợi người lao động và nhân dân bằng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Phan Phương