Chuyện hai nhà sáng lập Grab và Go-Jek: Đi học là bạn, lập nghiệp là đối thủ
Mới đây Go-Jek, startup gọi xe hàng đầu của Indonesia, được định giá khoảng 5 tỷ USD, tuyên bố sẽ rót khoảng 500 triệu USD vào 4 thị trường gồm: Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines trong vài tháng tới.
Chiến lược lần này của Go-Jek thu hút giới truyền thông, bởi đây là động thái được đưa ra không lâu sau khi Uber tuyên bố bán lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab.
Theo đánh giá từ phía chuyên gia, Go-Jek đang muốn tuyên chiến với Grab, và tạo thế "đối đầu" trên khắp các mặt trận mà ứng dụng gọi xe này có mặt. Chắc chắn, cuộc cạnh tranh trong ngành công nghiệp gọi xe tới đây sẽ rất gay gắt.
"Kỳ lân" Indonesia
Go-Jek được biết đến là startup tỷ đô đầu tiên của Indonesia. Thành lập năm 2010 tại Jakarta bởi nhà sáng lập Nadiem Makarim, startup này bắt đầu với khoảng 20 tài xế, sau này là 200.000 người, bao gồm nhiều lĩnh vực như: xe máy, xe hơi và cả xe tải.
Sau đó là giai đoạn phát triển thần kỳ của Go-Jek, khi ứng dụng của công ty được tải về 7,5 triệu lần. Đến giữa năm 2017, Go-Jek đã đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu người sử dụng trung bình mỗi tuần, chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia nói chung và 95% thị trường giao nhận đồ ăn nói riêng.
Thế mạnh của Go-Jek là hệ sinh thái "một ứng dụng cho tất cả nhu cầu", xây dựng nhiều dịch vụ xoay quanh hoạt động gọi xe, từ gọi xe, giao đồ ăn, đặt vé sự kiện, mát-xa tại nhà cho đến thanh toán di động.
Bên cạnh đó, Go-Jek còn tỏ ra rất am hiểu thị trường gọi xe tại Đông Nam Á, cũng như tính bản địa của thị trường mà startup này "tham chiến". Go-Jek sẽ tự mình tuyển dụng các nhân sự bản địa, vốn thông thạo thị trường "sân nhà" để tiến hành đổ công nghệ, tài chính và cả kinh nghiệm quản lý vào một lúc.
Năm ngoái, Go-Jek đã mở văn phòng tại Singapore với dịch vụ Go-Car tại Singapore - mô hình giống với GrabCar và UberX, khách hàng có thể thanh toán linh hoạt bằng tiền mặt hoặc thẻ.
Sau đó, startup này tiếp tục lên kế hoạch mở rộng ra thị trường Đông Nam Á gồm các quốc gia Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tính cho tới thời điểm hiện tại, Go-Jek được định giá 5 tỷ USD, với sự chống lưng của các ông lớn như: Google, JD.com, Tencent và cả Rakuten.
Hai người bạn học tương phùng
Nadiem Makarim (trái), và Anthony Tan (phải).
Có thể bạn chưa biết, Nadiem Makarim - sáng lập Go-Jek, và Anthony Tan (CEO của Grab) từng là bạn thân thiết khi còn học ở Đại học Harvard, Mỹ.
Dù rất ít khi chia sẻ về mối quan hệ giữa 2 người trên các phương tiện truyền thông, nhưng trong một lần họp báo, Nadiem đã tiết lộ: "Anthony từng là một trong những người bạn thân nhất của tôi. Chúng tôi thường tư vấn cho nhau về các công việc kinh doanh".
Rời ghế nhà trường, Nadiem Makarim trở về Indonesia và Anthony Tan trở về Malaysia để startup với mô hình tương tự Uber và đạt được những thành công nhất định.
Nadiem Makarim đến từ Indonesia, từng có thời gian làm cố vấn tại Mc Kinsey, Giám đốc sáng tạo tại Zaloza, Giám đốc sáng tạo Kartuku. Ban đầu, Go-Jek cung cấp các chuyến đi trên xe máy, taxi, được biết đến với tên gọi "ojek" ở Indonesia. Đây cũng chính là startup tỷ USD đầu tiên của Indonesia.
Anthony Tan là người Malaysia, từng là Giám đốc Marketing Tan Chong & Sons Motor. Năm 2011, cùng người đồng sáng lập Hooi Ling Tan, Anthony đã nghĩ ra ý tưởng về một ứng dụng đặt taxi và được lựa chọn vào vòng chung kết của cuộc thi Kế hoạch kinh doanh 2011 (Business Plan Contest 2011) của trường Kinh tế Harvard (Harvard Business School). Chính là tiền thân của Grab ngày nay.
Nadiem Makarim cho rằng, họ không coi việc ai nhiều tiền hơn mà quan trọng là ai sẽ đổi mới nhanh hơn. Grab đang chứng tỏ thế mạnh chiếm lĩnh thị phần nhờ am hiểu thị trường địa phương và phát triển các giải pháp không theo khuôn mẫu. Còn Go-Jek lại đang chiếm lĩnh tại Indonesia thị trường đông dân nhất khu vực và thể hiện là một ứng dụng cho tất cả nhu cầu của con người nhanh hơn Grab.
Tiềm lực và thị trường
Đứng sau 2 startup tỷ đô này là những nhà đầu tư nổi tiếng thế giới.
Grab nhận đầu tư của Didi, Softbank, Huyndai, Toyota. Còn Go-Jek được Google, Tencent, JD... rót vốn.
Go-Jek đang định giá 5 tỷ USD, còn Grab nhỉnh hơn với 6 tỷ USD.
Hiện Grab có mặt tại 195 thành phố tại 8 quốc gia Đông Nam Á, trong khi đó Go-Jek mới chỉ tập trung ở thị trường nội địa với 50 thành phố tại Indonesia. Nhiều thông tin cho biết, Go-Jek sắp vào thị trường Việt Nam.
Về dịch vụ, Go-Jek là niềm tự hào của giới startup ở Indonesia với việc phát triển nhanh như vũ bão, xây dựng hệ sinh thái từ Go-Ride (xe ôm), Go-Car (gọi xe hơi), Go-Food (giao đồ ăn) đến sửa xe, massage, vệ sinh...
Hệ sinh thái của Grab có phần khiêm tốn hơn với Grab Bike (gọi xe ôm), Grab Car (gọi xe hơi), Grab Express (giao hàng)... Sau khi Uber sáp nhập vào Grab, Grab sẽ có thêm các dịch vụ như Grab-Food...
Khi Go-Jek vào thị trường Việt Nam, đây sẽ là ứng viên nặng kí đối đầu với Grab nhờ hiểu rõ thói quen và văn hóa Đông Nam Á, đồng thời rất rõ đối thủ của họ là ai.