|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia VBF: Việt Nam cần điều chỉnh tổng thể về thủ tục để thu hút FDI trong lĩnh vực bán dẫn

14:05 | 16/10/2023
Chia sẻ
Theo ông David Whitehead, Phó Chủ tịch Auscham và thành viên Ban lãnh đạo VBF, Việt Nam cần có những điều chỉnh tổng thể về quy trình, thủ tục cấp phép đầu tư cũng như lược bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh.

Sáng 16/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển”.

Đây là hoạt động tiếp theo của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư tổ chức vào tháng 4 vừa qua, nhấn mạnh thêm thông điệp của người đứng đầu Chính phủ.

Ba vấn đề mà Việt Nam cần đối mặt

Ông David Whitehead, Phó Chủ tịch Auscham và thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nêu ra ba vấn đề. Thứ nhất, bối cảnh toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 đã đặt ra một số thách thức, khó khăn nhất định. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để đề xuất những chính sách linh hoạt và triển khai các giải pháp thích ứng.

Chính phủ đã thành lập 12 Tổ công tác đặc biệt nhằm nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Nhờ những hành động kịp thời của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Lũy kế sau nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,72%, mặc dù không thực sự ấn tượng nhưng là minh chứng cho phát triển ổn định của Việt Nam, Phó Chủ tịch Auscham đánh giá.

Ông David Whitehead, Phó Chủ tịch Auscham và thành viên Ban lãnh đạo VBF. (Ảnh: VGP).

Với vai trò kiến tạo, Chính phủ đã đồng hành cùng doanh nghiệp FDI cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thích ứng và phát triển; tháo gỡ khó khăn; chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp,...

Thứ hai, cộng đồng FDI tin tưởng Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp tục triển khai giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế..., góp phần tạo môi trường ổn định cho hoạt động kinh doanh và đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, đại diện VBF cho rằng, cần có những điều chỉnh tổng thể về quy trình, thủ tục cấp phép, đảm bảo quy định rõ ràng về sử dụng đất, ưu đãi thuế và cấp giấy phép lao động. Cũng như, lược bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh.

"Điều này sẽ giúp thu hút đầu tư FDI quy mô lớn vào Việt Nam, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn và chip", ông David Whitehead nói.

Thứ ba, Phó Chủ tịch Auscham chỉ ra kinh tế xanh, phát triển bền vững đã và đang trở thành xu hướng toàn cầu trong những năm gần đây và là sự thay đổi cơ bản trong cách doanh nghiệp và nhà đầu tư thực hiện trách nhiệm xã hội và quản trị hiệu quả.

Liên quan đến kinh tế xanh, ông Bruno Jaspert, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEPC cũng cho rằng cần sớm nghĩ về nguồn năng lượng thay thế, việc xem xét lại khuôn khổ pháp luật về nền kinh tế tuần hoàn và tái chế là cấp bách.

"Hiện nay chúng tôi không thể bán lại nước thải đã qua xử lý do thiếu hành lang pháp lý cần thiết, vì vậy, chúng tôi buộc phải thải nước thải đã qua xử lý ra biển hay sông gần nhất", ông Bruno Jaspert nói.

Theo ông, việc các quy định còn nửa chừng và chưa có đủ hướng dẫn cho cơ quan địa phương khiến cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa hiểu đầy đủ về vị thế hiện tại của Việt Nam trong việc phát triển bền vững. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra ba cam kết với các nhà đầu tư. Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.

Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững. 

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

Hạ An