|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Tăng giá điện tương xứng với chi phí sản xuất mới có thể thu hút đầu tư năng lượng tái tạo

10:39 | 20/09/2023
Chia sẻ
Th.S Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng để thu hút năng đầu tư năng lượng tái tạo, việc quan trọng cần làm là thiết lập giá điện bằng với chi phí sản xuất mới, đặc biệt khi các nguồn cung mới đắt hơn chi phí trung bình và giá điện hiện nay.

Tham luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Th.S Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng trong kế hoạch đầu tư công, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu và những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Xuân Thành đưa ra một số giải pháp về phát triển năng lương tái tạo ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc thiết lập giá điện bằng với chi phí sản xuất mới, đặc biệt khi các nguồn cung mới đắt hơn chi phí trung bình và giá điện hiện nay.

“Nếu chi phí sản xuất của năng lượng tái tạo là 5-7 US cent/kWh cộng với truyền tải, giá bán lẻ cần thiết sẽ khoảng 10-12 cent/kWh, nếu bao gồm cả chi phí phân phối, bán lẻ”, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright nói.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết tính đến ngày 16/9 đã có 60/85 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 3.331,4 MW đã được Bộ phê duyệt giá tạm. Trong đó có 20 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 1.171,7 MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới.  

Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng cần ưu tiên xử lý các dự án tái tạo đã cấp phép, trong đó một số đã đủ điều kiện nhận mức giá FIT 8-10 cent/kWh, số khác thì đã chậm thời hạn theo quy định. Nhiều nhà đầu tư “chậm chân” này đang thiếu tiền trả nợ vay vì lưới điện không đủ công suất truyền tải trong khi họ đã sẵn sàng sản xuất.

“Các dự án này nếu bị đẩy vào bờ vực phá sản sẽ trở thành gánh nặng cho các chủ nợ, trước hết là các ngân hàng Việt Nam.

Nếu nợ vay phần nào được phép cơ cấu lại, các ngân hàng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn và chủ đầu tư dự án sẽ thu được một phần lợi nhuận. Họ cần các điều khoản cho vay tốt hơn hoặc giá bán điện cao hơn, gần với mức giá FIT ưu đãi năm 2019”, Th.S Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Th.S Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tham luận về chuyển đổi xanh và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn. (Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội)

Trước những bất cập về hệ thống truyền tải, ông Thành cũng đề cập đến việc củng cố lưới điện để truyền tải điện tái tạo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Lưới điện cũng cần được đầu tư theo hướng thông minh để có thể phản ứng linh hoạt với những biến động của cung và cầu. Chi phí cân bằng và ổn định lưới điện sử dụng pin lưu trữ đang giảm đi.

Khác với quá trình lưu chuyển năng lượng tái tạo vốn mất nhiều thời gian, giải pháp cân bằng lưới điện dùng pin lưu trữ là xu hướng tất yếu đang được các công ty điện lực toàn cầu sử dụng ngày một phổ biến.

"Hệ thống lưới điện mạnh hơn và thông minh hơn sẽ giảm thiểu các sự cố mất điện và có giá cả phải chăng", ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Một giải pháp khác được nêu trong tham luận đó là xây dựng hệ thống đấu thầu giá điện cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo.

Theo vị chuyên gia, điện mặt trời, điện gió hay hydro đều có chi phí vận hành thấp hoặc gần bằng không, còn lại chủ yếu là chi phí cố định, nên các nguồn phát này có lợi thế tự nhiên khi tham gia đấu thầu giá điện so với nguồn điện than hay khí đốt, vốn không thể trả giá thấp hơn chi phí nhiên liệu nếu không muốn bù lỗ.

"Dù các nhà sản xuất điện tái tạo luôn muốn có hợp đồng bao tiêu nhưng họ cũng sẽ hài lòng với cơ chế đấu thầu giá điện công khai, minh bạch do trung tâm điều độ độc lập quản lý", giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright nói.

Do đó, giải pháp thay thế cho cơ chế đấu thầu là hợp đồng bao tiêu dài hạn ở một mức giá xác định với các điều khoản giống các dự án năng lượng hóa thạch. Giải pháp này sẽ giúp các dự án năng lượng tái tạo dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng như các khoản vay quốc tế có chi phí thấp và dài hạn hơn.

Tuy nhiên, loại hợp đồng này sẽ tăng gánh nặng cho Nhà nước bởi khi đó rủi ro sa thải công suất điện sẽ được chuyển từ các dự án năng lượng gió và mặt trời sang đơn vị mua điện.

Trong trung hạn, việc sử dụng năng lượng sạch sẽ trở thành yêu cầu khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường quốc tế. Các khu kinh tế và khu công nghiệp đứng trước thách thức phải cung cấp đủ năng lượng tái tạo theo yêu cầu của các nhà đầu tư.

Vì vậy, ông Thành cho rằng việc khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái ngay trong khu công nghiệp cần phải được thể chế hóa một cách rõ ràng.

Hoàng Anh

PLX tăng trần và nhóm dầu khí khởi sắc, VN30-Index giảm hơn 6 điểm
Cổ phiếu nhóm dầu khí trở thành điểm sáng của thị trường phiên sáng nay. Bên cạnh giao dịch khởi sắc của hai ông lớn PLX và GAS, nhiều mã trong ngành cũng thu hút dòng tiền như PVO (+8,5%), BSR (+7,1%), OIL (+6,7%), PVC (+2,4%), PVB (+2,3%), PVS (+1,8%), PVD (+0,8%), PVT (+0,7%), …