|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia IMF: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài

07:04 | 23/04/2024
Chia sẻ
Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn tham vấn, giám sát kinh tế Vĩ mô Việt Nam của IMF, nhận định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho FDI trong khi kinh tế toàn cầu biến động, bất ổn địa chính trị gia tăng.

Hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp có vốn FDI ở Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN).

 

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại thủ đô Washington D.C (Mỹ), ông Paulo Medas, Trưởng đoàn tham vấn và giám sát kinh tế Vĩ mô Việt Nam của IMF, đã có cuộc trao đổi riêng với phóng viên TTXVN.

Theo ông Paulo Medas, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài (FDI) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và bất ổn địa chính trị gia tăng.

Ông Paulo Medas khẳng định bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 5,66% trong quý I/2024. Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng mạnh, hỗ trợ đà tăng trưởng chung. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng cá nhân, đang ở mức yếu và là rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế.

IMF dự báo Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng gần 6% trong năm 2024, nhờ vào sự phục hồi của nhu cầu trong nước và chính sách tài khóa hỗ trợ của Chính phủ.

Tuy nhiên, IMF cũng khuyến nghị Việt Nam cần có chính sách tài khóa linh hoạt để ứng phó với rủi ro và đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng do biến động toàn cầu, IMF cho rằng Việt Nam có thể cần phải tăng lãi suất để kiềm chế áp lực giá cả. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ cần được thực hiện thận trọng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.

Ông Paulo Medas đánh giá trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng sang châu Á, Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút lượng lớn FDI nhờ vào môi trường đầu tư ổn định, nền kinh tế tăng trưởng cao, thị trường nội địa lớn và nguồn nhân lực trẻ.

Tuy nhiên, để duy trì sức hấp dẫn, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng xanh, và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.

Kiều Trang-Hồng Nguyên-Đào Lâm