|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Việt khởi sắc tháng 'cô hồn', cổ phiếu nào thường tăng mạnh và NĐT lựa chọn ra sao?

07:28 | 01/08/2019
Chia sẻ
Thống kê 5 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực trong tháng "cô hồn", minh chứng bằng việc VN-Index, VN30-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng điểm.

Thị trường tăng điểm tích cực trong tháng "cô hồn"

Theo quan niệm dân gian tại một số nước châu Á và Việt Nam nói riêng, tháng 7 Âm lịch - còn được gọi là tháng "cô hồn" hay tháng "ngâu", được coi là thời gian không may mắn trong năm.

Các hoạt động kinh doanh, mua bán lớn, trong đó có chứng khoán, nhìn chung không thuận lợi nên các nhà đầu tư thường hạn chế giao dịch trong thời gian này. Thậm chí, có quan điểm cho rằng thị trường chứng khoán thường giảm điểm trong tháng cô hồn do thiếu hụt dòng tiền.

Tuy nhiên, liệu quan điểm trên có đúng khi trong 5 năm trở lại đây, số năm thị trường tăng giá trong tháng ngâu áp đảo so với số năm giảm giá? 

Thống kê dựa trên VN-Index, VN30-Index, HNX-Index và UPCoM-Index; ba chỉ số có 4/5 năm tăng điểm trong tháng 7 âm lịch, riêng VN30-Index tăng điểm 3/5 năm.

vnindex

Nguồn: ST tổng hợp

Trong 5 năm từ 2014 - 2018, VN-Index có 4/5 năm tăng điểm với tỉ lệ tăng trung bình 2,55%. Năm 2014, chỉ số này tăng tới 6,18%, từ 589,45 điểm lên 625,88 điểm. Hai năm 2016 và 2017, VN-Index tăng lần lượt 5,21% và 4,9%; năm 2018 tăng nhẹ hơn với 0,25%. Riêng năm 2015, VN-Index giảm 3,78% từ 589,03 điểm xuống 566,74 điểm.

vn30

ST tổng hợp

Mặc dù có số năm tăng điểm ít hơn (3/5 năm) so với VN-Index, VN30-Index cũng đạt được mức tăng trung bình 2,51%. Đáng chú ý, năm 2017, chỉ số này tăng 7,08% từ 738,2 điểm lên 790,48 điểm, đây cũng là thời gian thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khởi sắc nhờ kì vọng nâng hạng thị trường. 

Giai đoạn tiếp theo, thị trường đi vào điều chỉnh, VN30-Index cũng giảm nhẹ 0,12%, từ 946,75 điểm xuống còn 945,59 điểm trong tháng 7/2018. Trước đó, chỉ số này cũng giảm điểm trong tháng 7/2015 (âm lịch) với mức giảm 5,76%.

hnx

ST tổng hợp

Cùng diễn biến tích cực, HNX-Index có 4/5 năm tăng điểm trong tháng 7, đồng thời là chỉ số có mức tăng điểm trung bình cao nhất với 3,14%.

Tháng 7 âm lịch năm 2014, chỉ số này tăng từ 77,73 điểm lên 84,81%, tương ứng tăng 9,11%. Đến năm 2015, cùng xu hướng tiêu cực của thị trường chung, HNX-Index giảm 4,14% từ 80,88 điểm xuống 77,53 điểm.

Các năm sau đó, HNX-Index đều tăng điểm trong tháng 7 âm lịch. Cụ thể, mức tăng năm 2016 đạt 3,43%, năm 2017 và 2018 đạt lần lượt 4,27% và 3,03%.

upcom

ST tổng hợp

Ngoài hai sàn HOSE và HNX, giao dịch trên thị trường UPCoM cũng diễn ra tích cực trong "tháng cô hồn" trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, UPCoM-Index có 4/5 tăng điểm trong tháng ngâu, tuy nhiên mức tăng khiêm tốn hơn với 1,89%.

Nếu như ba chỉ số còn lại giảm điểm điểm vào tháng 7 âm lịch năm 2015, UPCoM-Index lại giảm vào tháng ngâu năm 2018 với mức giảm 0,7%, từ 51,36 điểm xuống còn 51 điểm. Trong khi 4 năm trước đó từ 2014-2017, chỉ số này đều tăng điểm với tỉ lệ lần lượt 6,2%; 0,69%; 2,47% và 0,81%.

Những cổ phiếu thường tăng mạnh trong tháng "cô hồn"

Với diễn biến tích cực của thị trường chung trong tháng ngâu, nhiều cổ phiếu đã có sự tăng trưởng vượt trội, mang lại lợi suất đáng kể cho nhà đầu tư trong tháng ngâu vốn được coi là khó khăn.

Thống kê trong 5 năm trở lại đây, top 10 cổ phiếu thường tăng giá mạnh nhất trong tháng "ngâu" có lợi suất trung bình 9%. Đáng chú ý, hầu hết trong đó là các mã có thanh khoản thấp, ít chịu biến động bởi xu hướng thị trường.

cptang

Nguồn: ST tổng hợp

Dẫn đầu danh sách là cổ phiếu VCS của Vicostone với tỉ lệ 23%. Trong những năm gần đây, Vicostone là cái tên được được biết đến với hoạt động kinh doanh tăng trưởng trong nhiều năm cùng biên lợi nhuận cao; theo đó cổ phiếu VCS cũng liên tục tăng giá phi mã.

Đáng chú ý, trong tháng 7 âm lịch năm 2014, cổ phiếu của Vicostone ghi nhận mức tăng lên tới 68%. Các năm sau đó, cổ phiếu này duy trì mức tăng trưởng cân bằng hơn, lần lượt ở 2%; 25%; 15% và 5%.

Một cái tên cũng gây nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây là D2D của Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2. Nhờ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại cũng như làn sóng cho thuê đất phát triển KCN, cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng tăng giá lên gấp nhiều lần.

Trong giai đoạn 2014-2018, cổ phiếu D2D duy trì mức tăng từ 3% - 6% trong tháng 7. Tuy nhiên, mức tăng giá đột biến 29% kéo theo tỉ lệ tăng trung bình của D2D ở mức 9%, nằm trong số ít những cổ phiếu sinh lợi ổn định trong tháng ngâu 5 năm qua.

Nhắc đến tháng "cô hồn", không thể không nhắc đến Lâm nông sản Thực phẩm Yên Bái (Mã: CAP), một doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm giấy đế, vàng mã cho việc thờ cúng. Nhờ hiệu ứng từ tháng "cô hồn", cổ phiếu CAP thường diễn biến tích cực trong tháng 7 âm lịch với tỉ lệ tăng trung bình 8%, thậm chí năm 2016 mức tăng lên tới 21%.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu cũng ghi nhận mức tăng khá cao trong tháng 7 âm lịch như PTC của Đầu tư và Xây dựng Bưu Điện (11%), SFN của Dệt lưới Sài Gòn (10%), Viglacera Hạ Long (9%), THG của Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (8%) và HAT của Thương mại Bia Hà Nội (7%).

Trong khi đó, hai mã trong ngành thuỷ sản là ASM của Tập đoàn Sao Mai và ACL của Thuỷ sản Cửu Long An Giang tăng khiêm tốn hơn với cùng tỉ lệ 3%.

Những cổ phiếu "đốt tiền" trong tháng "cô hồn"

Trái ngược với diễn biến của thị trường chung, nhiều doanh nghiệp đã trải qua tháng "cô hồn" thực sự khi giá cổ phiếu giảm trong nhiều năm.

cpgiam

Nguồn: ST tổng hợp

Đứng ở vị trí "đội sổ", cổ phiếu VE9 của Đầu tư và Xây dựng Vneco 9 có 5 năm liên tiếp giảm giá trong tháng 7 âm với tỉ lệ giảm trung bình 18%. Thậm chí, cổ phiếu này bay mất 56% giá trị trong tháng ngâu năm 2017.

Cũng trong lĩnh vực bất động sản - xây dựng, cổ phiếu PHC của Phục Hưng Holdings mất giá trung bình 6% trong tháng "cô hồn", trong đó năm giảm nhiều nhất là 2016 với tỉ lệ giảm 6%. Một thành viên trong "họ FLC" là HAI của Nông dược H.A.I cũng chứng kiến mức giảm trung bình 14% trong tháng 7 âm trong vòng 5 năm qua.

Đáng chú ý, danh sách có sự xuất hiện của hai cổ phiếu bluechips là DHG của Dược Hậu Giang và DPM của Đạm Phú Mỹ. Trong đó, cổ phiếu DHG biến động thất thường do thanh khoản thấp, giảm trung bình 3%; cổ phiếu DPM duy trì mức giảm trung bình quanh 1%.

Như vậy, thống kê cho thấy, thị trường dường như không bị ảnh hưởng bởi tháng "cô hồn" trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá ấn tượng đến từ hoạt động kinh doanh tích cực hoặc những câu chuyện riêng.

Tuy nhiên, việc lựa chọn được cổ phiếu tốt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi nhà đầu tư. Nếu không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về chiến lược đầu tư hoặc chọn sai cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn phải gánh chịu những khoản thua lỗ không đáng có.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bài: Sơn Tùng, Ảnh: Hoàng Linh