|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 4 liên tiếp, Nasdaq mất 1,7% sau ngày họp Fed

07:20 | 04/11/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 3/11 đa phần đóng cửa trong sắc đỏ sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lãi suất thêm 0,75 điểm % và Chủ tịch Jerome Powell ra tín hiệu rằng chính sách thắt chặt còn lâu mới thay đổi.

Nasdaq đã giảm 4 phiên liên tục.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 146,5 điểm, tương đương 0,46%, và kết phiên ở 32.001 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,06% và dừng ở gần 3.720 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm sâu nhất khi mất 1,73% và đóng cửa ở gần 10.343 điểm.

Theo CNBC, lợi suất đồng loạt tăng mạnh sau khi Fed thông báo nâng lãi suất, gây áp lực lên giá cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm leo lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2007, lợi suất kỳ hạn 10 năm lên mức 4,15%.

Lợi suất tại Mỹ hiện nay cao gấp nhiều lần mức đầu năm 2022.

Ông Ed Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại công ty môi giới Oanda, nhận xét: “Thị trường cổ phiếu sẽ không chết đi một cách đau đớn tại đây, nhưng chắc chắn sẽ suy yếu cho đến khi giá đã phản ánh thêm sự thắt chặt của Fed”.

Quyết định nâng lãi suất thêm 75 bps của Fed vào chiều 2/11 đã được dự báo từ lâu, và nhà đầu tư ban đầu đánh giá thông cáo sau cuộc họp của Fed mang thông điệp tích cực.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm ngay sau khi cuộc họp kết thúc nhưng rồi nhanh chóng đảo chiều đi xuống khi Chủ tịch Jerome Powell tuyên bố rằng hiện vẫn còn “quá sớm” để bàn về việc tạm dừng thắt chặt tiền tệ và mức lãi suất cuối cùng trong chiến dịch chống lạm phát hiện nay sẽ cao hơn dự kiến.

“Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi, và các dữ liệu kinh tế mới kể từ cuộc họp trước cho thấy mức lãi suất cuối chu kỳ thắt chặt này sẽ cao hơn so với dự báo trước kia”, ông Powell nói. 

Nhiều chuyên gia dự báo thị trường sẽ tiếp tục dao động lên xuống đan xen cho tới khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt và Fed dừng tăng lãi suất.

S&P 500 đang ở dưới đường MA50.

Cổ phiếu Meta Platforms (sở hữu Facebook) giảm 1,8% trong phiên 3/11. Từ đầu năm đến nay, Meta đã lao dốc 74% và là cổ phiếu rớt thảm nhất chỉ số S&P 500. Cổ phiếu tập đoàn thương mại điện tử Amazon giảm 3,1% sau khi thông báo dừng tuyển dụng thêm lao động cho mảng khách hàng doanh nghiệp.

Cổ phiếu công nghệ và viễn thông là những nhóm giảm sâu nhất thị trường chứng khoán Mỹ phiên 3/11, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Đây cũng là hai nhóm nhạy cảm nhất khi mặt bằng lãi suất đi lên.

Cổ phiếu công nghệ và viễn thông là những nhóm giảm sâu nhất phiên 3/11.

Nhà đầu tư đang hướng sự chú ý tới báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 10 sắp được Cục Thống kê Lao động (BLS) công bố vào thứ Sáu (4/11). Số việc làm mới cao cùng với tỷ lệ thất nghiệp thấp sẽ có nghĩa là nền kinh tế đang vận hành tốt nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất.

CNBC dẫn lời ông Adam Sarhan, CEO của công ty đầu tư 50 Park Investments, nhận định: “Tỷ lệ thất nghiệp phải đi lên thì lạm phát mới giảm xuống. Đó là thực tế. Người dân sẽ mua sắm và tiêu dùng ít đi khi họ không có việc làm”.

Trong tuần sau, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 sẽ được công bố, giúp nhà đầu tư có thêm thông tin về bức tranh lạm phát và sức khỏe của nền kinh tế.

 Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang ở mức thấp nhất hơn 50 năm.

Theo Viện Quản lý nguồn cung (ISM), chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực dịch vụ giảm từ 56,7% trong tháng 9 xuống còn 54,4% trong tháng 10, thấp hơn mức 55,5% mà các nhà kinh tế kỳ vọng. Chỉ số hoạt động doanh nghiệp giảm còn 55,7% trong khi chỉ số đơn hàng mới giảm xuống 56,5%.

Chỉ số ở trên 50% có nghĩa là hoạt động kinh tế vẫn mở rộng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Chỉ số tháng 10 là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 khi chỉ số này giảm còn 45,2%.

 

Đức Quyền