|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán ASC về chung nhà VPBank?

10:10 | 06/11/2021
Chia sẻ
Thời gian gần đây, Chứng khoán ASC đã thực hiện hàng loạt động thái tái cấu trúc gồm chuyển trụ sở từ TP. HCM ra tòa tháp VPBank Tower, tăng vốn gấp 5 lần, bổ nhiệm bộ máy lãnh đạo mới sau những biến động lớn trong cơ cấu cổ đông.

Thời gian qua, CTCP Chứng khoán ASC (ASCS) có loạt động thái đáng chú ý sau thời gian dài kinh doanh ảm đạm kể từ sau khi chấm dứt giao dịch tại HOSE và chấm dứt tư cách thành viên tại Sở giao dịch này từ tháng 10/2016.

Ngày 20/9 vừa qua, đã hoàn tất đợt chào bán 21,28 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành 11.000 đồng/cp, qua đó thu về 234,8 tỷ đồng. Theo đó, vốn điều lệ của công ty đã tăng gấp 5 lần, từ 56 tỷ đồng lên 268,8 tỷ đồng.

Trong tháng 10, công ty chứng khoán này cũng hoàn tất đăng ký bổ sung các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và lưu ký chứng khoán. Trước đó công ty chỉ hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán và tư vấn tài chính doanh nghiệp.

Đáng chú ý, ASC đã chuyển trụ sở từ TP. HCM ra Hà Nội tại địa chỉ Tầng 25, Tòa nhà 89 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây chính là nơi tọa lạc của tòa tháp VPBank Tower - trụ sở chính của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Những động thái trên đều được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 (lần 2) diễn ra vào ngày 20/8 nhằm định hướng cho giai đoạn phát triển mới của công ty chứng khoán này.

Cũng tại đại hội, HĐQT của Chứng khoán ASC bầu Ban kiểm soát mới nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 3 thành viên là bà Nguyễn Thanh Duyên (sinh năm 1984), bà Hoàng Thị Quỳnh Trang (1985) và bà Nguyễn Phương Anh (1984) với tỷ lệ phiếu bầu đạt 100%.

Trong đó, 2 thành viên mới trong Ban kiểm soát ASCS là bà Nguyễn Thị Duyên và bà Hoàng Thị Quỳnh Trang đều đang công tác tại VPBank.

Theo tờ Viettimes, bà Nguyễn Thanh Duyên còn kiêm nhiệm vị trí Trưởng phòng kiểm toán - Ban kiểm toán nội bộ VPBank. Trong khi bà Hoàng Thị Quỳnh Trang là Trưởng phòng tư vấn pháp luật ngân hàng và khách hàng doanh nghiệp miền Bắc - Khối Pháp chế & Kiểm soát tuân thủ - VPBank.

Điểm trùng hợp là tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây của VPBank, bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng giám đốc VPBank cho biết Ngân hàng trước đây từng có một công ty chứng khoán, nhưng sau đó đã bán đi.

Tuy nhiên, bà Thảo cho hay trong bối cảnh hiện nay, VPBank đang cân nhắc việc mở thêm công ty chứng khoán để mở rộng mạng lưới kinh doanh, khách hàng cũng như gia tăng các sản phẩm bán chéo.

Loạt động thái tái cấu trúc của ASC

Tìm hiểu kỹ hơn về hoạt động của Chứng khoán ASC, ngày 16/6, ông Nguyễn Công Tuấn (sinh năm 1983) đã nhận chuyển nhượng 3,65 triệu cổ phần, trở thành cổ đông chi phối tại ASCS với tỉ lệ sở hữu 65,29% vốn điều lệ. Cùng ngày, ông Nguyễn Tiên Phong (sinh năm 1978) cũng hoàn tất nhận chuyển nhượng 1,22 triệu cổ phần, chiếm 21,86% vốn tại ASCS. 

Cả hai vị cổ đông này đều không sở hữu cổ phiếu ASCS nào trước đó. Chỉ sau một ngày, họ đã nắm giữ 87,15% vốn tại công ty chứng khoán này.

Trước đó, cuối tháng 4/2021, ASCS có 5 cổ đông, gồm 1 pháp nhân và 4 thể nhân. Trong đó, ông Phan Minh Hoàn là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 3,6 triệu cổ phần, chiếm 65,29% vốn. Ông Hoàn cũng là đại diện phần vốn góp của CTCP Hoàn Lộc Việt sở hữu 1,2 triệu cổ phần, chiếm 21,86% vốn.

Ba cổ đông cá nhân còn lại gồm bà Nguyễn Thị Thúy Hường (sở hữu 360.000 cp, tỷ lệ 6,43%), ông Phan Vũ Tuấn và bà Đỗ Thị Bích Huệ đồng thời sở hữu 180.000 cp, tương ứng tỷ lệ 3,21%.

Như vậy, nhiều khả năng ông Nguyễn Công Tuấn và Nguyễn Tiên Phong đã nhận chuyển nhượng cổ phần ASCS từ ông Phan Minh Hoàn và CTCP Hoàn Lộc Việt.

CTCP Chứng khoán ASC (ASCS)  - Ảnh 1.

Cơ cấu cổ đông của ASCS tính đến ngày 20/8/2021. (Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường).

Sau biến động lớn trong cơ cấu cổ đông, tới ngày 8/7/2021, ASCS tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 để miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT cũ và bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại đây, ông Nguyễn Công Tuấn đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT ASCS, còn ông Nguyễn Tiên Phong giữ vị trí Thành viên HĐQT.

Đến ngày 20/8/2021, ASCS tiếp tục tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 (lần 2). Các nội dung được đại hội thông qua cho thấy dấu ấn của nhóm chủ mới ở ASCS, trong đó có các nội dung chuyển trụ sở ASCS từ TP. HCM ra Hà Nội, bầu ra Ban kiểm soát mới nhiệm kỳ 2021 - 2026, và thông qua phương án tăng vốn điều lệ. Những phương án được thông qua tại đại hội đều được ASCS hoàn tất tính đến ngày 5/11.

Sau ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo mới của ASCS đã tiếp tục thực hiện miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc và bổ nhiệm ông Nguyễn Hà Huỳnh, sinh năm 1983 vào vai trò Tổng Giám đốc công ty. Theo tìm hiểu, ông Hà Huỳnh chính là anh rể của ông Nguyễn Công Tuấn, Chủ tịch HĐQT.

Hoạt động kinh doanh không mấy ấn tượng

Một câu hỏi được giới đầu tư quan tâm đó là Chứng khoán ASC đang kinh doanh ra sao. Theo tìm hiểu, công ty này Thành lập từ 8/4/2009, đến năm 2017 điều chỉnh rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán và chỉ thực hiện tư vấn đầu tư chứng khoán. Mặc dù thành lập sớm, song hoạt động kinh doanh của ASCS không có nhiều điểm nổi bật.

Năm 2020, công ty chứng khoán này chỉ đem về 1,2 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 81% so với năm 2019. Doanh thu không đủ bù đắp chi phí khiến công ty lỗ ròng hơn 3,58 tỷ đồng, so với khoản lãi 87 triệu đồng ở năm 2019. ASCS có vốn điều lệ 56 tỷ đồng, tuy vậy khoản lỗ lũy kế lên tới 23,4 tỷ đồng.

Trong quý III, ASCS ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 300 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ nhưng không đủ bù đắp các chi phí hoạt động. Mặc dù báo lỗ ròng 322 tỷ đồng, đây vẫn là kết quả tích cực hơn khi cùng kỳ năm trước ASCS báo lỗ lên tới gần 1 tỷ đồng. Tính đến 30/9, công ty chứng khoán vẫn lỗ lũy kế hơn 20 tỷ đồng.

Thảo Bùi