Chia sẻ tại Talk Show Phố Tài chính ngày 8/1, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết quy mô vốn hóa của HOSE, HNX và UPCoM cuối năm 2023 đạt 6 triệu tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2022, chiếm 64,2% GDP.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết ghi nhận giá trị niêm yết tăng 15%, chiếm 21,1% GDP. Chứng khoán phái sinh tiếp tục là công cụ phòng ngừa rủi ro.
Việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán, khối lượng đăng ký phát hành cổ phiếu và trái phiếu tăng 59% so với 2022. Năm 2023, hệ thống giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển một cách công khai, minh bạch.
Về câu chuyện nâng hạng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, hội nghị xúc tiến đầu tư trong năm 2023. Qua 2024, cơ quan này dự kiến tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản và tiếp tục làm việc với các tổ chức quốc tế để chia sẻ các giải pháp để nâng hạng Việt Nam.
Theo bà Chân Phương, nâng hạng thị trường Việt Nam từ cận biên lên mới nổi là mục tiêu đang hướng tới. Điều này được thể hiện tại Nghị quyết 86 của Chính phủ cũng như chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào 29/12/2023.
Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong danh sách theo dõi chờ nâng hạng của FTSE. Một vấn đề đang cần tháo gỡ là quy định về tỷ lệ ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding). Phía cơ quan quản lý đang rà soát các giải pháp để báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ để có thể đáp ứng tiêu chí này.
Với tiêu chí tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có báo cáo Bộ Tài chính, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường cũng như tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên các web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, cơ quan này cũng đang rà soát, sửa sửa nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán để yêu cầu các tổ chức niêm yết phải tự rà soát, đăng ký tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, thay vì làm riêng lẻ như hiện nay.
Mặt khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sửa thông tư về công bố thông tin, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp quy mô lớn phải công bố bằng tiếng Anh, đảm bảo sự tiếp cận cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng quan trong năm 2024, cơ quan quản lý thị trường sẽ hoàn thiện các cơ chế chính sách để đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường cũng như khắc phục các tiêu chí để nâng hạng thị trường. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ làm tốt các hoạt động như: gắn việc IPO với niêm yết, triển khai công bố thông tin một đầu mối, giám sát thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, chuyển đổi số…
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 69, theo đó chậm nhất đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành việc chuyển toàn bộ cổ phiếu từ sàn HNX sang HOSE. Chậm nhất đến 2026 cổ phiếu trên thị trường UPCoM cũng chuyển về HOSE, còn HNX sẽ tập trung quản lý thị trường trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Điều này được đánh giá sẽ giúp thị trường chứng khoán phát triển theo hướng tập trung và hiệu quả hơn. |
Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chu-tich-ubck-nam-2024-khac-phuc-cac-tieu-chi-de-nang-hang-202418205625975.htm
In bài biếtBản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/