|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Sao Ta: Khó khăn của ngành tôm sẽ kéo dài đến ít nhất giữa năm 2024

17:31 | 23/08/2023
Chia sẻ
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho rằng 2024 là năm bản lề của sự phục hồi bởi dù kỳ vọng 6 tháng cuối năm nhu cầu tăng lên nhưng vẫn khá mong manh do còn nhiều yếu tố bất định. Khó khăn của ngành tôm sẽ còn theo đuổi đến giữa năm sau.

Tại Hội thảo Quốc tế Ngành tôm diễn ra chiều ngày 23/8, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta nhận định tình hình ngành tôm sẽ còn khó khăn đến ít nhất năm 2024. 

Theo đó, tổng sản lương tôm thế giới năm 2023 đạt khoảng 6 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2022, trong bối cảnh nhu cầu vẫn yếu.

Trong khi năm nay, ngành nuôi tôm Việt Nam phải đối diện với dịch bệnh lây lan mạnh khiến tỷ lệ chết nhiều, cộng thêm chi phí thức ăn tăng cao kéo theo giá thành nuôi tôm tăng. Cùng lúc đó, giá tôm nguyên liệu tại bờ liên tục giảm  khiến người nuôi không an tâm trong việc tái thả giống. 

“Diện tích tái thả giống sẽ không được cao. Tôi cho rằng tỷ lệ tái thả giống chỉ khoảng 50%. Điều này khiến sản lượng tôm thời gian tới sẽ giảm mạnh, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cục bộ cho chế biến”, ông Lực nói. 

Hoạt động tiêu thụ tôm giảm sút càng đè nặng lên ngành tôm. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm trong 7 tháng 2023 đạt 1,9 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ông Lực đánh giá, so với các cường quốc xuất khẩu tôm trên thế giới, mức suy giảm của Việt Nam nặng nề nhất. Giá bán tại các thị trường giảm khoảng 15%, ở mức rất thấp, chỉ cao hơn tôm của Ecuador một vài %. 

Hiện tại cũng đã qua cao điểm của cung ứng tôm nguyên liệu. Từ nay đến cuối năm, tôm nguyên liệu của các cường quốc nuôi tôm giảm dần. Như vậy, nguồn cung giảm và những nhà nhập khẩu ít lựa chọn hơn. Do đó, xu thế hiện tại là các nhà nhập khẩu đang tích trữ dần. 

Ngoài ra, mùa lễ hội cuối năm đang đến gần, nhu cầu tăng lên.

“Xu thế tiêu thụ tôm của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm có dấu hiệu tốt. Đây là giai đoạn có nhiều lễ hội. Mảng dịch vụ, vui chơi, nhà hàng ưa chuộng tôm chế biến sẵn. Điều này phù hợp với thế mạnh của Việt Nam là tôm chế biến sâu”, ông Lực nhận định. 

Tuy nhiên, ông cho rằng còn nhiều yếu tố bất định, ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm như tốc độ phục hồi nền kinh tế thế giới, liệu rằng lạm phát có ngừng tăng cao hay không? 

“Không ai có thể trả lời câu hỏi này. Do đó, nhiều chuyên gia vẫn chưa có nhận định triển vọng giá tôm từ nay đến cuối năm ra sao. Chúng ta nên coi 2024 là năm bản lề của sự phục hồi bởi dù kỳ vọng 6 tháng cuối năm nhu cầu tăng lên nhưng vẫn khá mong manh do còn nhiều yếu tố bất định. Khó khăn của ngành tôm sẽ còn theo đuổi đến giữa năm sau”, ông nói. 

Ngoài ra, 6 tháng cuối năm dù cung ứng tôm nguyên liệu giảm nhưng chưa chắc nguồn hàng từ các nhà máy cho các siêu thị sẽ giảm. Bởi, hàng tồn từ các nhà máy chế biến còn nhiều. Minh chứng rõ nhất là Ấn Độ dù sản lượng nuôi 6 tháng đầu năm giảm 15% nhưng lượng xuất khẩu chỉ giảm 1%. 

Ngoài ra, vấn đề El Nino sẽ tác động đến tình hình nuôi tôm của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. 

Trước tình hình này, ông Lực cho rằng ngành tôm Việt Nam cần nỗ lực phát huy ưu điểm trong chế biến sâu bởi giá thành tôm nguyên liệu hiện vẫn cao hơn nhiều so với các nước đối thủ 1 - 2 USD/kg. Việc nâng cao chế biến sâu có thể đáp ứng được kỳ vọng thu được lợi nhuận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm ra các mặt hàng mới để đi trước, tăng sức cạnh tranh.

Đối với điểm yếu là giá thành nuôi tôm cao, ông cho rằng cần cải thiện con giống, qua đó cải thiện tỷ lệ nuôi thành công. Trong đó, cơ quan nhà nước cần quản lý chặt chẽ các trang trại bán con giống, ngăn chặn việc bán con giống kém chất lượng khiến tỷ lệ sống thấp.

H.Mĩ