|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch nước chủ trì phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TW

00:00 | 15/12/2017
Chia sẻ
Phiên họp sẽ cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo kết quả tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2017, nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018…

Chiều nay (15/12), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức phiên họp thứ 4 cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo kết quả tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2017, nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018; Báo cáo của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam về “Kết quả hợp tác với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) về khảo sát chỉ số công lý và phương hướng xây dựng chỉ số tư pháp.

Ban Chỉ đạo cũng cho ý kiến về Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao về việc Đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Tại cuộc họp, đa số thành viên Ban Chỉ đạo đều cho rằng, các văn bản do Văn phòng Ban Chỉ đạo trình và các báo cáo, đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc.

chu tich nuoc chu tri phien hop thu 4 ban chi dao cai cach tu phap tw

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu kết luận phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Trong đó, Ban Chỉ đạo đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tích cực triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp và Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp 2016-2021; chủ động tiến hành kiểm tra, đôn đốc nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp ở các địa phương.

Kịp thời triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ phát sinh theo yêu cầu của Bộ Chính trị và các cơ quan tổ chức liên quan. Đồng thời tổng kết mô hình tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo qua các thời kỳ . Ban Chỉ đạo chủ động triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế về tư pháp theo đúng kế hoạch.

Về kết quả hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), các đại biểu cho rằng, việc khảo sát chỉ số công lý được tiến hành công phu, nghiêm túc trên phạm vi rộng, kết quả khảo sát chỉ số công lý là kênh cung cấp thêm thông tin đánh giá hiệu quả hoạt động của một số cơ quan hành pháp và tư pháp ở Việt Nam dưới góc nhìn của người dân. Tuy nhiên, phạm vi khảo sát, mục tiêu, yêu cầu và kết quả đạt được còn hạn chế, nhất là đối với các hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Về báo cáo đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đa số các thành viên cho rằng việc đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự hành chính là cần thiết. Tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ việc hình thành trung tâm pháp lý bên cạnh tòa thì địa vị pháp lý của cơ quan này như thế nào. Vì vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để có quyết định cụ thể.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương các cơ quan chủ trì xây dựng báo cáo và Ban Thư ký, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tích cực nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu phục vụ Phiên họp theo đúng quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch nước đánh giá cao Ban Chỉ đạo đã thực hiện nghiêm túc chủ trương “tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp” do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thông qua và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch nước đánh giá cao các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Tương trợ tư pháp.

Đồng thời chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các đề án về vị trí việc làm trong từng cơ quan, đơn vị; chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các chế định về bổ trợ tư pháp và tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động thi hành án, thừa phát lại,trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, bảo đảm cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp.

Chủ tịch nước nêu rõ, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cấp tỉnh; phân công rõ trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Trong quá trình triển khai thực hiện các đồng chí quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị khóa XI "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng".

“Cấp ủy, chính quyền các địa phương định kỳ tổ chức nghe cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án báo cáo tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc”, Chủ tịch nước lưu ý.

Chủ tịch nước nêu rõ, việc lãnh đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp của các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trực thuộc Trung ương vẫn còn một số hạn chế, đó là: việc ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thi hành luật còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tư pháp chưa được tiến hành thường xuyên; chưa triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Một số địa phương chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các nhiệm vụ tư pháp. Việc chỉ đạo giải quyết một số vụ án trọng điểm ở địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương

Về phương hướng nhiệm vụ của của Ban Chỉ đạo năm 2018, Chủ tịch nước đề nghị Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt thực hiện đúng đắn quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ cụ thể nêu trong Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016-2021; bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp...” do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thông qua.

“Văn phòng và ban thư ký tiếp thu, chỉnh lý điều chỉnh cho phù hợp với các ý kiến của các đại biểu tham gia hôm nay. Trong đó tôi đề nghị cần nhấn mạnh việc tiếp tục kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền mà cụ thể là Bộ Chính trị cho ý kiến về đề án tổ chức, biên chế của các cơ quan như Viện Kiểm sát, Tòa án… tiếp tục đề xuất với Chính phủ trong việc bố trí kinh phí, ngân sách để phục vụ cho việc hoàn thiện các trụ sở của các cơ quan làm việc của kiểm sát, tư pháp và các cơ quan khác”, Chủ tịch nước đề nghị.

Về báo cáo, đề xuất của Đảng đoàn Hội luật gia Việt Nam, Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam về khảo sát chỉ số công lý. Chủ tịch nước cơ bản tán thành phương hướng xây dựng chỉ số tư pháp nêu trong báo cáo của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam.

Chủ tịch nước cho rằng, đây là vấn đề mới, phức tạp, liên quan đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống tư pháp. Do vậy, trong quá trình triển khai nghiên cứu, Hội Luật gia Việt Nam cần cân nhắc kỹ ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Thư ký. Đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các nhà khoa học, tham khảo thêm kinh nghiệm của nước ngoài để xây dựng được bộ tiêu chí phù hợp, có tính khả thi trình Ban Chỉ đạo xem xét, cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện.

Về báo cáo, đề xuất của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch nước cơ bản đồng ý giao Tòa án nhân dân tối cao triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và tiến hành thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng. Trên cơ sở đó, đề xuất việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn./.

Việt Cường

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.