|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ đầu tư Dự án BOT Hầm đường bộ Đèo Ngang: Thu phí vượt thời gian, không chịu nộp tiền vào ngân sách

14:30 | 08/03/2018
Chia sẻ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng công ty Sông Đà vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xử lý những vấn đề phát sinh tại Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Ngang - công trình BOT có tuổi đời lên tới 16 năm này.
chu dau tu du an bot ham duong bo deo ngang thu phi vuot thoi gian khong chiu nop tien vao ngan sach Sai phạm liên quan đến dự án Hầm Đèo Cả: Yêu cầu Phú Yên khắc phục, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm
chu dau tu du an bot ham duong bo deo ngang thu phi vuot thoi gian khong chiu nop tien vao ngan sach Cận cảnh hầm đường bộ hơn 11.000 tỷ đồng nối Khánh Hòa, Phú Yên

Chưa thể “đóng gói”

Đã hơn 15 tháng sau khi chính thức dừng thu phí (tháng 12/2016), nhưng đến thời điểm này, nhà đầu tư Dự án BOT Hầm đường bộ qua Đèo Ngang là Tổng công ty Sông Đà vẫn chưa chuyển vào Ngân sách Nhà nước khoản thu vượt hợp đồng theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trong văn bản vừa được gửi đến Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Tổng công ty Sông Đà khẳng định, các bên vẫn chưa thể thống nhất về các nội dung quyết toán hợp đồng BOT Dự án, nên giá trị thu vượt chưa đủ cơ sở pháp lý để xác định.

chu dau tu du an bot ham duong bo deo ngang thu phi vuot thoi gian khong chiu nop tien vao ngan sach
Tổng công ty Sông Đà - nhà đầu tư Dự án Hầm đường bộ Đèo Ngang đã thu phí vượt quá hợp đồng số tiền gần 70 tỷ đồng

Với lý do nói trên, Tổng công ty Sông Đà cho rằng, đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc nộp khoản tiền nêu trên tại thời điểm này là “chưa có cơ sở và chưa phù hợp với quy định hiện hành”.

Cần phải nói thêm, chỉ trong 6 tháng qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phát 3 văn bản “thúc” nhà đầu tư trong khi chờ quyết toán Dự án chính thức nộp số tiền thu vượt trên cơ sở kết quả rà soát số liệu đợt 1 và đợt 2.

Là một trong những công trình BOT đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang - Quốc lộ 1, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình được Bộ GTVT và Tổng công ty Sông Đà ký hợp đồng vào năm 2002, với tổng mức đầu tư là 150,021 tỷ đồng, quy mô 2 làn xe, thời gian hoàn vốn theo Hợp đồng BOT là 18 năm 5 tháng. Trên thực tế Dự án đưa vào khai thác từ tháng 10/2004.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà, từ khi Dự án hoàn thành (8/10/2004) cho đến năm 2015, các bên mới chính thức thực hiện điều chỉnh hợp đồng BOT và cho đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án tài chính do quan điểm xác định doanh thu và chi phí của Dự án còn nhiều ý kiến trái chiều.

Việc thu vượt sau thời hạn kết thúc thu phí từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2016 là không phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Được biết, Tổng công ty Sông Đà đã thực hiện yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc tạm dừng thu phí trạm Đèo Ngang Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Ngang, phối hợp chốt doanh số thu phí của dự án đến hết ngày 30/11/2016, rà soát chi phí để xác định thời gian thu phí của Dự án làm cơ sở để điều chỉnh hợp đồng BOT.

Hiện vướng mắc trong hợp đồng BOT Dự án liên quan đến một số thông số đầu vào như giá điện, giá xăng dầu, tiền lương; chế độ chính sách cho người lao động, số người và quỹ tiền lương tính trong khoản mục “chi phí cho thu phí (3% phí thu)” trong Bảng doanh thu hoàn vốn đầu tư; số người và quỹ tiền lương tính trong khoản mục “chi phí duy tu, bảo quản, vận hành hầm” mục Chi phí dịch vụ, vận hành hầm 1,6 triệu đồng/md/năm trong Bảng doanh thu hoàn vốn đầu tư.

Đây là những thông số đầu vào vô cùng quan trọng để có thể xác định chính xác phương án tài chính của Dự án, nhưng vì nhiều lý do khác nhau đã không được đề cập trong Hợp đồng BOT, khiến cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Liên quan đến các vướng mắc nêu trên, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ GTVT xem xét các kiến nghị, đề xuất điều chỉnh hợp đồng BOT Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Ngang để có thể sớm thống nhất phương án tài chính, điều chỉnh hợp đồng BOT.

Về đề nghị của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT cho biết, đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cách xác định các khoản thu tính vào nguồn thu của dự án Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Ngang cũng như của các dự án BOT khác.

"Sau khi Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn, Bộ GTVT sẽ triển khai tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện theo quy định", Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết.

Loay hoay xử lý số thu vượt hợp đồng

Bên cạnh những khó khăn trong việc “đong lại” phương án tài chính, nguồn thanh toán cho khoản tiền mà nhà đầu tư đã bỏ ra để chuẩn bị đầu tư mở rộng giai đoạn II Dự án cũng khiến quá trình thu hồi số thu vượt hợp đồng gặp bế tắc.

Theo Bộ GTVT, trong quá trình thực hiện hợp đồng BOT, do lưu lượng giao thông thực tế qua trạm thu phí Đèo Ngang tăng cao so với dự kiến trong hợp đồng (khoảng 112%/năm), đồng thời, giá trị quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư (132 tỷ đồng/150 tỷ đồng), nên thời gian thu phí hoàn vốn được rút ngắn khoảng 7 năm 10 tháng so với hợp đồng, kết thúc thu phí khoảng tháng 4/2015.

Tuy nhiên, thay vì phải “phanh” ngay việc thu phí của nhà đầu tư do đã hoàn xong vốn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại để nhà đầu tư “thu lố” đến tận đầu tháng 12/2016. Sự việc hy hữu này chỉ được phát hiện khi Bộ GTVT tiến hành thanh tra Dự án vào tháng 11/2016 (tại thời điểm này, số thu vượt quy định hợp đồng BOT đã gần 70 tỷ đồng).

Được biết, nguyên nhân chủ quan được xác định là do các cơ quan tham mưu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong quá trình kiểm tra doanh thu thu phí để xác định thời gian hoàn vốn chỉ căn cứ theo báo cáo của nhà đầu tư, mà không tổ chức kiểm tra chứng từ hợp lý. Trong khi số liệu báo cáo của nhà đầu tư có sự sai khác khá lớn, nên đã để thu quá thời gian gần 2 năm.

Điểm “gỡ” duy nhất cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam là việc, trong thời gian này, nhà đầu tư đang báo cáo các cơ quan về chủ trương thực hiện giai đoạn II (mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang) và tại Văn bản số 159/TTg - KTN ngày 27/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý vẫn giữ trạm thu phí Đèo Ngang để hoàn vốn cho giai đoạn II nên chưa thực hiện việc dừng thu phí tại trạm Đèo Ngang.

Tuy nhiên, do việc đầu tư mở rộng hầm Đèo Ngang chỉ có thể thực hiện sau năm 2020, nên Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với nhà đầu tư dừng thu phí tại trạm thu phí Đèo Ngang từ ngày 1/12/2016.

Trong văn bản kiến nghị tạm dừng đầu tư mở rộng hầm Đèo Ngang vào tháng 5/2017, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng kinh phí thu vượt để thanh toán một số chi phí đã thực hiện đối với hạng mục mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang mà Tổng công ty Sông Đà đã chi để khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát bước thiết kế bản vẽ thi công...) với kinh phí khoảng 16,58 tỷ đồng; phần còn lại, nộp vào tài khoản ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thu vượt sau thời hạn kết thúc thu phí từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2016 là không phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định số 15/2015/NĐ - CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Cụ thể, hết thời hạn kinh doanh (thu phí), nhà đầu tư phải bàn giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, hai bộ cũng khẳng định “không có cơ sở để dùng số tiền thu vượt để thanh toán cho chi phí chuẩn bị mở rộng hầm Đèo Ngang và yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư nộp đầy đủ số tiền thu vượt hợp đồng vào ngân sách nhà nước”.

“Tình huống hy hữu thu vượt hợp đồng tại Dự án Hầm Đèo Ngang đang đẩy cả nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án vào nguy cơ rủi ro pháp lý rất lớn nếu không sớm thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước”, một chuyên gia cho biết.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Minh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.