Chơi với 'ông lớn', doanh nghiệp Việt phải tự vượt mình
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gần đây cho thấy "10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì có tới 7 đồng là của FDI". Hơn nữa, phần đóng góp của Việt Nam vào con số 70% trong xuất nhập khẩu của khu vực FDI là khá ít ỏi khi mối liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI cũng rất hạn chế.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (VAFIE), cho rằng, nhược điểm chính của FDI hiện nay chính là tác động lan toả. Tại Việt Nam, tác động lan toả chưa được như kỳ vọng, thể hiện trong việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hạn chế trong việc tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đầu tư máy móc, cải tiến cách thức sản xuất, doanh nghiệp Việt muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. |
Việt Nam chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thế giới, đứng đầu là xuất khẩu hồ tiêu, cà phê, dệt may và hiện trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động thông minh, máy tính bảng. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các nhà kinh tế, Việt Nam có 21% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 30%, ở Malaysia là 46%. Như vậy, chúng ta kém xa các nước xung quanh chúng ta về mặt này.
Vì thế, doanh nghiệp Việt đang nỗ lực để tình hình cải thiện hơn, để có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Công ty TNHH 4P (Hưng Yên) là một trong số ít doanh nghiệp nằm trong Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp do Bộ Công Thương và Tập đoàn Samsung thực hiện. Công ty này cũng muốn trở thành ứng viên để cung cấp linh phụ kiện cho đại gia FDI từ Hàn Quốc này.
Theo đó, trong vòng 12 tuần, từ ngày 12/3/2018, các chuyên gia Hàn Quốc đã khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp nhằm cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, lãnh đạo Công ty 4P cho hay: Công ty có những bước tiến vượt bậc trong năm nay. Năng suất lao động trong nhiều công đoạn sản xuất của doanh nghiệp tăng tới 85%. Với sản phẩm FPCB (bản mạch), sản lượng đã được cải tiến 720% từ tháng 2 đến tháng 5. Chỉ trong 12 tuần, tỉ lệ lỗi công đoạn giảm 53% và tỉ lệ lỗi ảo giảm tới 75%. Công ty cũng chú trọng cải tiến môi trường sản xuất và xưởng sản xuất, cách vận hành và sử dụng máy móc, nâng cao năng lực cho quản lý và nhân viên.
Sau chương trình tư vấn cải tiến dành cho doanh nghiệp Việt Nam lần I/2018, Công ty cổ phần thiết bị Bưu điện Postef (Bắc Ninh) cũng đã có những chuyển đổi khả quan. Các hạng mục sản xuất có cải tiến 40% về sản lượng, và hạng mục về quản lý chất lượng được cải tiến 33%.
Đối với công ty TNHH điện - điện tử Mê Trần (Vĩnh Phúc), lãnh đạo công ty này chia sẻ: Tính đến tháng 5, số sản phẩm đạt được là 720 sản phẩm/người, đặc biệt không có bất kì lỗi khách hàng (tỷ lệ trả hàng) nào diễn ra. Trong cải tiến năng suất, cải tiến thao tác trong công đoạn từ vật tư cao su đổi thùng đựng đã giúp cho công tác làm việc giảm từ 34 giây xuống 5 giây và cải tiến khoảng cách di chuyển vật tư giữa các công đoạn cũng được giảm đáng kể.
Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam, cho biết: “Tôi đánh giá cao tiềm năng, ý chí và quyết tâm to lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ trong vòng 12 tuần, chúng tôi đã nhận thấy rõ kết quả của những nỗ lực đổi mới nhằm hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này”.