|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính quyền Trump tìm cách phá vỡ hệ thống giải quyết tranh chấp WTO

14:58 | 27/02/2017
Chia sẻ
Chính quyền Trump đang tìm các biện pháp thay thế khi muốn giải quyết bất đồng thương mại, thay vì đưa lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
chinh quyen trump tim cach pha vo he thong giai quyet tranh chap wto

Đây được xem là bước đi đầu tiên trong việc xa rời tổ chức mà chính Washington góp phần dựng lên cách đây hơn hai thập kỷ.

Theo đó, các quan chức trong đội ngũ của Trump vừa yêu cầu văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thảo một danh sách các biện pháp thương mại mà Washington có thể sử dụng để có thể đơn phương trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc và các quốc gia khác.

Mục tiêu của yêu cầu này, theo nguồn tin của Financial Times, là chính quyền mới đang tìm cách phá vỡ hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.

Kể từ khi được thành lập vào năm 1995, WTO trở thành tổ chức ưu việt nhất trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các quốc gia thành viên, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh thương mại.

Trong khi Mỹ vẫn là thành viên WTO dưới thời Donald Trump, bước đi này của chính quyền mới phản ánh cái nhìn ngờ vực của nhiều thành viên trong nội các mới, rằng WTO là một tổ chức không có lợi cho lợi ích của nước Mỹ.

Nó cũng phản ánh cách Donald Trump đang hành động để thử nghiệm một trật tự kinh tế thế giới mới mà những người tiền nhiệm của ông từng xây dựng và bảo vệ. Khi còn tranh cử Tổng thống, Donald Trump thề sẽ gắn chặt với chính sách ngoại giao tôn vinh nước Mỹ, "American First".

"Tổ chức Thương mại Thế giới là một thảm họa", ông từng phát biểu khi còn trong chiến dịch hồi năm ngoái.

Hồi đầu năm, không lâu sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký lệnh rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết nối Mỹ với 11 quốc gia quanh vùng Thái Bình Dương. Tuần trước, Steve Bannon, cố vấn cấp cao của Trump, mô tả quyết định này là "một trong những thời khắc then chốt trong lịch sử nước Mỹ hiện đại".

Vị Tổng thống cũng thường xuyên biểu lộ sự khinh miệt với các tổ chức hay các thỏa thuận quốc tế. Khi còn trong chiến dịch tranh cử, ông từng lên tiếng phê phán liên minh quân sự NATO. Để rồi sau đó chính các thành viên nội các của ông phải ra sức xoa dịu các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương vì bình luận này.

Về thương mại, Trump đã tập hợp một đội ngũ những người theo chủ nghĩa bảo hộ. Robert Lighthizer, người ông chọn làm Đại diện Thương mại, kêu gọi nước Mỹ cần củng cố chủ nghĩa bảo hộ. Đây là người hồi 2010 từng phát biểu rằng nước Mỹ cần có cách tiếp cận cứng rắn với WTO.

Vào tháng 9, Wilbur Ross, người Trump chọn làm Bộ trưởng thương mại và Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia, đã dành thời lượng lớn trong báo cáo của mình để phàn nàn về cái mà họ gọi là cách đối xử thiếu công bằng của WTO với hệ thống thuế doanh nghiệp Mỹ.

Nhà Trắng từ chối trả lời câu hỏi họ có tiếp tục cam kết với WTO hay không. "Chúng tôi sẽ không bình luận gì về chính sách thương mại cho đến khi một Đại diện Thương mại Mỹ chính thức được thông qua", Phó thư ký báo chí Nhà Trắng nói.

Một phần nguyên nhân cho thái độ ngờ vực của chính quyền mới với với WTO là từ ngành công nghiệp thép Mỹ. Nhiều thành viên nội các Trump từng hoạt động trong ngành này. Trong quá khứ, WTO đã nhiều lần bác bỏ các biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ - đứng đằng sau là các đại gia ngành thép yêu cầu.

Dan DiMicco, cựu CEO của nhà sản xuất thép Nucor và nay dẫn đầu nhóm chuyển giao đại diện thương mại Mỹ của Trump cho biết họ đã bàn đến ý tưởng về một sự thay thế WTO. "Quan điểm cá nhân của tôi là WTO không có tác dụng", ông này nói với Financial Times.

Tuy vậy, ông DiMicco cho biết chính quyền mới có thể áp dụng biện pháp chờ đợi và xem xét. "WTO ngày nay tồn tại như là một tổ chức để chúng ta thương thảo, và nó sẽ tiếp tục như thế trừ khi chúng ta thấy rằng nó không có hiệu quả", ông này nói. "Nếu chúng tôi nộp rất nhiều đơn kiện thương mại, kiện chống phá giá và WTO bác bỏ, đó không phải là điều tốt".

Dưới thời Obama, Mỹ đã nộp lên WTO một số đơn kiện quan trọng với Trung Quốc. Ngoài ra, WTO cũng giải quyết đơn kiện của Bắc Kinh với EU và Mỹ về việc Trung Quốc có nên được đối xử như một "nền kinh tế thị trường" theo luật WTO.

Giới chuyên gia lo rằng bất cứ động thái nào về việc đơn phương dùng biện pháp thay thế sẽ làm giảm vai trò của WTO. "Một khi Mỹ phát tín hiệu rằng nước này đang vượt WTO và sẽ tự tay xử lý tranh chấp, các nước khác sẽ không chịu ngồi yên", đó là bình luận của bà Wendy Cutler, người chịu trách nhiệm theo dõi đàm phán TPP dưới thời Obama nói. "Nó sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn về thương mại".

Một cựu quan chức khác cho rằng những lý lẽ mới "thiếu tầm nhìn". "Chính quyền mới nên tập trung vào việc làm thế nào để tăng khả năng canh tranh trên phạm vi toàn cầu của Mỹ, thay vì ruồng bỏ các hệ thống dựa trên luật lệ mà chúng ta đã mất nhiều thế hệ mới thuyết phục được những nước khác chấp nhận", ông bình luận.

Vân Vũ

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.