|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Chính phủ, doanh nghiệp nội và FDI phải là thế kiềng ba chân'

13:53 | 05/12/2016
Chia sẻ
Các đại biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016 cho rằng kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội hết sức quan trọng. Kết nối ấy không chỉ giúp ích cho doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo môi trường cho doanh nghiệp FDI phát triển.
chinh phu doanh nghiep noi va fdi phai la the kieng ba chan
Các đại biểu phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016. Ảnh: Chân Luận.

Kết nối giúp DN FDI thuận lợi hơn

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Quốc Khánh cho rằng, kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong nước và FDI sẽ tạo môi trường ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp FDI.

Chính phủ Việt Nam gần đây có nhiều hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ trưởng Khánh cũng khẳng định, mục tiêu của Bộ Công Thương tạo liên kết, hỗ trợ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Trong đó, có phát triển công nghiệp hỗ trợ dành cho khối FDI.

"Bộ Công Thương hiểu tầm quan trọng của việc kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Liên kết giữa các doanh nghiệp giúp nâng cao số lượng việc làm và nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu. Điều quan trọng nhất, chính kết hợp này sẽ tạo môi trường ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp FDI", ông Khánh nói.

Vị Thứ trưởng lý giải, nếu đầu tư nước ngoài tiếp tục thành công ở Việt Nam mà không có sự tiếp nối hay chia sẻ của các doanh nghiệp trong nước về lâu dài sẽ tạo tâm lý kì thị đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Với quan điểm như vậy, Bộ Công Thương cho biết sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI phát triển, tạo đầu tàu kéo các khối doanh nghiệp khác. Bộ đề xuất đưa ra các chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ như dệt may, cơ khí... Hơn hết, năng lực của khối SME sẽ được nâng cơ hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp FDI và tận dụng các ưu đãi từ FTA đã ký.

Chính phủ, FDI và DN trong nước cần đồng điệu

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, trước tình hình kinh tế biến động, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với các FDI chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, cần tạo liên kết là một thế kiềng ba chân có trách nhiệm của Chính phủ, khối FDI, các doanh nghiệp nội địa. "Phân vai, tôi nghĩ Nhà nước có vai trò yểm trợ về luật pháp, chính sách. Còn các FDI đóng vai trò trung tâm. SME của Việt Nam phải là vệ tinh", ông Lộc nói.

Góp phần giữ vững chuỗi kết nối này, theo ông Lộc, yếu tố then chốt chính là chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Về mặt dài hạn, cải cách hệ thống giáo dục Việt Nam là vô cùng quan trọng. "Làm sao tạo dược hệ thống nguồn nhân lực chất lượng cao, lý thuyết nhiều, thực tiễn yếu", ông Lộc bày tỏ.

Về chính sách, Han Dong Hee, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) cho rằng, Nhà nước Việt Nam chưa hỗ trợ được nhiều cho các doanh nghiệp FDI tham gia vào liên kết. Ông cho rằng, cần tạo một kênh thông tin để doanh nghiệp FDI và trong nước thấu hiểu lẫn nhau là vô cùng quan trọng.

Ông đề xuất thành lập một cơ quan giúp đỡ kết nối nối FDI và SME Việt Nam để dễ dàng tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, theo ông nên tăng thêm ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI mua phụ tùng và hàng hóa trung gian tại Việt Nam.

Thái Hoàng

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm còn hơn 257.000 tỷ đồng, bất động sản chiếm 39%
Fiin Ratings nhận định thách thức vẫn còn hiện hữu khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi và những thay đổi về chính sách có độ trễ nhất định, dẫn tới doanh nghiệp chưa có đủ thời gian để sắp xếp dòng tiền trả nợ.