Chiêu kiếm lời của các rạp chiếu phim
Với các chi phí như trang thiết bị âm thanh, màn chiếu, các thiết bị hỗ trợ đi kèm như ghế nệm, thảm trải sàn, đèn dẫn... ước tính, chi phí để đầu tư cho một phòng chiếu phim chất lượng theo chuẩn quốc tế hiện nay vào khoảng 500.000 USD.
Với từng ấy chi phí để đầu tư cho một phòng chiếu, doanh thu đóng góp chính vào lợi nhuận của các cụm rạp chính là tiền bán vé và cung cấp dịch vụ đi kèm.
Cách các rạp chiếu kiếm lời từ 1 bộ phim
Thực tế, việc thu lợi nhuận từ 1 bộ phim không hề đơn giản. Để đưa 1 bộ phim từ nhà sản xuất tới màn hình chiếu cho khán giả cần qua rất nhiều đơn vị liên quan.
Hiện nay, các rạp chiếu phim thường áp dụng 2 hình thức để có thể được phép thuê một bộ phim và công chiếu tại cụm rạp của mình đó là đấu thầu và chia phầm trăm theo lợi nhuận.
Bằng hình thức đấu thầu, rạp chiếu phim sẽ phải trả một khoản chi phí cố định cho hãng phân phối để được công chiếu bộ phim đó. Khoản doanh thu từ bán vé trừ đi số tiền trả trước cho hãng phân phối chính là lợi nhuận mà rạp chiếu thu về được.
Để đưa một bộ phim tới khán giả cần phải qua rất nhiều đơn vị. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.
Tuy nhiên, hình thức đấu thầu này đi kèm với rủi ro rất lớn đó là nếu doanh số bán vé quá thấp, rạp phim sẽ một mình chịu lỗ. Vì vậy, hiện nay, phương pháp này không được các rạp chiếu phim sử dụng nhiều. Hầu hết rạp chiếu phim sử dụng phương pháp thứ 2 đó là chia phần trăm theo doanh số bán vé.
Với hình thức chia phần trăm, rạp chiếu phim sẽ không phải trả tiền trước cho hãng phân phối, và sẽ nhận được 1 khoản tiền để bù đắp chi phí chiếu phim từ phía đơn vị phân phối. Đổi lại, đơn vị phân phối phim nhận được sẽ được phần trăm lợi nhuận dựa trên doanh thu bộ phim mang lại sau khi trừ khoản chi phí ban đầu.
Tuy nhiên, những rạp phim công chiếu trước thường chịu thiệt khi đã mất chi phí để quảng cáo cho bộ phim, trong khi các rạp chiếu sau có thể dựa theo đó để hút người xem mà không tốn chi phí quảng cáo. Tỷ lệ phân chia lợi nhuận cũng là một hạn chế của hình thức kinh doanh này.
Mới đây nhất là sự kiện bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể không được chiếu tại cụm rạp CGV. Theo chia sẻ của phía phát hành phim VAA, do phía CGV không đồng ý với tỷ lệ phân chia lợi nhuận mà công ty VAA đưa ra nên đã từ chối công chiếu. Tuy nhiên, sau đó phí CGV đã bác bỏ thông tin này.
Siêu lợi nhuận từ dịch vụ bán bỏng ngô, nước uống
Ngoài doanh thu từ bán vé, đóng góp vào lợi nhuận của các rạp chiếu phim còn có rất nhiều từ việc cung cấp dịch vụ đi kèm như đồ ăn, nước uống.
Hiện nay, các rạp chiếu phim đều có riêng một quầy phục vụ bắp rang bơ và nước ngọt. Tuy nhiên, giá hai loại thực phẩm tại đây cao hơn rất nhiều so với bên ngoài. Trung bình với 2 người đi xem phim, bạn sẽ phải chi thêm khoảng 100.000-150.000 đồng cho 2 cốc nước ngọt và 1 gói bỏng ngô. Trong khi nếu mua ở bên ngoài, giá có thể chỉ bằng 1 nửa hoặc 1/3.
Thông thường, chi phí cho mỗi phần bắp và nước gần bằng với giá một chiếc vé xem phim. Đây cũng là lý do các rạp chiếu đều cấm người xem mang đồ ăn bên ngoài vào phòng chiếu tuy nhiên lại đồng ý bán bỏng ngô, snack, nước ngọt... bên ngoài để khách hàng mang vào.
Điều này khiến thực phẩm ở rạp chiếu phim như một thị trường độc quyền, nơi chỉ có duy nhất 1 người bán. Khách hàng chỉ có thể lựa chọn mua với giá cao hoặc ngồi xem phim 2h đồng hồ không ăn uống gì. Việc kinh doanh thực phẩm trong rạp chiếu phim, mang lại cho các rạp chiếu nguồn lợi nhuận tăng thêm khoảng 40-50% lợi nhuận từ việc bán vé xem phim.
Kinh doanh chiếu phim, "miếng bánh" trăm triệu USD
Thị trường kinh doanh rạp chiếu phim tại Việt Nam đang dần trở thành "miếng bánh ngọt" hấp dẫn khi các hãng liên tiếp mở rộng quy mô cả về số lượng và chất lượng phòng chiếu.
Năm 2015, đại diện tập đoàn CJ Hàn Quốc (chủ của chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam CGV) từng nhận định Việt Nam đã trở thành “thị trường trăm triệu USD” khi tổng doanh thu từ bán vé và dịch vụ tại các cụm rạp cả nước đạt trên 130 triệu USD, tương đương 2.800 tỷ đồng. Đơn vị này cũng đưa ra dự báo đến năm 2018, doanh thu từ bán vé và dịch vụ tại Việt Nam sẽ xấp xỉ 200 triệu USD.
Thị phần chiếu và phát hành phim tại Việt Nam hiện nay. Đồ họa: Quang Thắng. |
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vào năm 2009, cả nước mới chỉ có chưa đầy 100 phòng chiếu, chủ yếu tập trung ở Hà Nội (26 phòng) và TP.HCM (65 phòng). Hiện tại, theo số liệu mới nhất của Cục Điện ảnh, tính đến hết năm 2016, cả nước có 138 rạp, cụm rạp với số lượng phòng chiếu trên cả nước là 510 và 86.500 ghế ngồi.
Tăng mạnh về số lượng rạp, cụm rạp và phòng chiếu nhưng thị phần "miếng bánh" chiếu phim Việt Nam chủ yếu thuộc về 3 cụm rạp bao gồm CGV, Lotte Cinema và Rạp chiếu phim quốc giá với gần 80% thị phần.
Ngoài ra còn những cái tên cũng đang ra sức cạnh tranh trong "miếng bánh" còn có Platinum và BHD cùng sở hữu 8% thị phần…