|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chia nhỏ bước giá, nhỏ quá khó chơi?

08:15 | 14/09/2016
Chia sẻ
Ghi nhận sau hai ngày đưa vào áp dụng, nhiều nhà đầu tư cho rằng, quy định chia nhỏ bước giá tới 10 đồng trên sàn HOSE khiến họ hơi khó đánh giá thị trường.

Từ ngày 12/9/2016, Quy chế giao dịch chứng khoán và quy định thời gian giao dịch, biên độ dao động giá, đơn vị giao dịch, loại lệnh áp dụng tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chính thức có hiệu lực. Trong đó, hai điểm được đánh giá có tác động ngay lập tức tới nhà đầu tư trên thị trường là tăng khối lượng tối đa một lệnh đặt từ 19.990 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ lên 500.000 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ và chia nhỏ bước giá giao dịch.

Cụ thể, bước giá đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng có thị giá dưới 10.000 đồng/CP là 10 đồng; với cổ phiếu có thị giá từ 10.000 - 49.950 đồng/CP là 50 đồng và với cổ phiếu có thị giá từ 50.000 đồng trở lên là 100 đồng.

Cảm nhận về quy chế mới, nhà đầu tư Trần Tiến Dũng, gắn bó với TTCK từ những ngày đầu cho biết, việc chia nhỏ bước giá gây khó chịu cho nhà đầu tư khi theo dõi bảng điện tử. Theo ông Dũng, với biên độ giao dịch 7% tại HOSE, theo cách tính mới, giá cổ phiếu sẽ dao động ở rất nhiều mức khác nhau, nhưng nhà đầu tư chỉ nhìn được 3 giá mua và 3 giá bán tốt nhất, nên rất khó theo dõi biến động giá cổ phiếu. Mặt khác, việc chia nhỏ bước giá dẫn đến các mức giá lắt nhắt, trong khi giá trị tiền Việt Nam rất thấp và quy định này chỉ có tác động tích cực tới các cổ phiếu giá bèo.

Nhà đầu tư Đặng Đình Hiệp đánh giá cao quy định nâng khối lượng đặt lệnh tối đa lên 500.000 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, cho rằng quy định này sẽ giúp nhà đầu tư đỡ phải đặt nhiều lệnh, đặc biệt nhà đầu tư tổ chức với giao dịch lớn thì việc mua bán sẽ thực hiện nhanh hơn. Nhà đầu tư Đặng Đình Hiệp cho rằng, bước giá theo quy chế mới quá nhỏ, gây khó cho nhà đầu tư. “Nên chăng, chỉ chia đến mức thấp nhất là 50 đồng”, ông Hiệp nói.

Trong khi đó, nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán tầm trung cho biết, việc nâng khối lượng không có tác động lớn tới nhà đầu tư cá nhân do họ thường giao dịch với khối lượng nhỏ, còn việc chia nhỏ bước giá khiến rất nhiều khách hàng phàn nàn vì “rối mắt” và dễ gây nhầm lẫn khi theo dõi bảng điện tử.

Với cảm nhận tích cực hơn, anh Tài, một nhà đầu tư trẻ tuổi cho rằng, quy định chia nhỏ bước giá không hỗ trợ nhiều cho nhà đầu tư, “tuy nhiên, đây là thông lệ của quốc tế, nên dần dần mọi người sẽ quen”. Việc chia nhỏ đơn vị yết giá từng được HOSE giải thích là phù hợp với thông lệ chung của các thị trường trong khu vực, chẳng hạn thị trường Thái Lan và Đài Loan, đơn vị yết giá nhỏ nhất là khoảng 7 đồng; Singapore khoảng 16 đồng, Hàn Quốc khoảng 19 đồng. Áp dụng đơn vị yết giá mới, nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn đặt lệnh, giúp thị trường tăng thanh khoản vì bước giá càng nhỏ, nhà đầu tư càng dễ mua bán, nhất là đối với các mã có thị giá thấp.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Bảo Việt, quy định về bước giá thực chất không tác động lớn đến hoạt động đầu tư trên thị trường.

Về phản ánh của nhà đầu tư rằng việc chia nhỏ bước giá khiến việc theo dõi bảng điện tử khó khăn hơn, chẳng hạn cổ phiếu chỉ giảm rất ít nhưng vẫn đỏ bảng, trong khi xanh ngát thực chất lại chỉ tăng rất nhẹ, ông Bình cho rằng, vấn đề nằm ở thói quen theo dõi bảng điện tử của nhà đầu tư. Thực tế, muốn xem mức độ tăng giảm của cổ phiếu, nhà đầu tư nên theo dõi cả đồ thị chỉ số, chứ không nên chỉ nhìn vào bảng giá chứng khoán. Theo ông Bình, sẽ mất khoảng 1 - 2 tuần để nhà đầu tư làm quen với quy định mới.

“Việc này liệu có cần thiết hay không trong bối cảnh nhà đầu tư đang chờ đợi T+0 (cơ chế giao dịch trong ngày) và giao dịch chứng khoán chờ về? Nên chăng chỉ chia nhỏ bước giá với các cổ phiếu dưới 5.000 đồng, bởi đơn vị yết giá theo quy định cũ là 100 đồng, 500 đồng và 1.000 đồng cho các cổ phiếu nhóm trên đã là ổn”, ông Bình nêu quan điểm.

Quy chế giao dịch chứng khoán mới được 2 sở GDCK ban hành theo Thông tư số 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán (có hiệu lực từ 1/7/2016). Nội dung được nhà đầu tư quan tâm nhất và được coi là “linh hồn” của thông tư này là cơ chế giao dịch trong ngày (T+0) và bán chứng khoán chờ về. Tuy nhiên, việc triển khai hai cơ chế giao dịch, hứa hẹn giúp thanh khoản thị trường có những bước đột phá này vẫn đang chờ hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo Anh Quốc

Đầu tư chứng khoán