Chỉ thị Thống đốc NHNN: Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, đẩy mạnh xử lý thu hồi nợ xấu
Ngày 17/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Chỉ thị xác định 7 nhóm mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành ngân hàng trong năm 2023, bao gồm:
Một là, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ trưởng kinh tế hợp lý. Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Hai là, kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Triển khai với nỗ lực cao nhất các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ba là, triển khai quyết liệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm bảo đảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%; tập trung triển khai chỉ đạo các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các TCTD này từng bước phục hồi. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các TCTD, tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát đối với các TCTD.
Bốn là, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc cung ứng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Năm là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường trong việc chấp hành chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và các quy định trong hoạt động ngân hàng.
Sáu là, cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Bảy là, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các chương trình/kế hoạch hành động và các đề án của ngành đã ban hành.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát trên, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN Trung ương tham mưu cho Thống đốc, chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo đó các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn, trọng tâm là trình Chính phủ, Quốc hội dự án Luật Các TCTD (sửa đổi); ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022.
Về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và vàng, cần bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiên tệ (CSTT), điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Ngoài ra, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 cũng bao gồm tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; phòng chống rửa tiền.
Củng cố hoạt động các TCTD là hợp tác xã, xử lý Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém và tăng cường quản lý, giám sát tổ chức tài chính vi mô. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; cải cách công vụ, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Đối với NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thống đốc cũng yêu cầu tổ chức triển khai chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trên địa bàn; thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Thống đốc quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng trên địa bàn các tỉnh, thành phố, tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Đối với các TCTD, Thống đốc NHNN yêu cầu tổ chức triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng và các chỉ tiêu kế hoạch được giao; Xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2023 bám sát các giải pháp điều hành CSTT, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN.