Chi 10 triệu tỉ đồng tái cơ cấu kinh tế
|
Tại phiên họp Quốc hội chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đại diện Chính phủ trình bày các trọng tâm tái cơ cấu kinh tế giai đoạn mới. Ngoài 3 trọng tâm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công kế thừa từ giai đoạn trước, báo cáo đưa ra một loạt các nhiệm vụ mới.
Nhận định doanh nghiệp tư nhân "giữ vai trò dẫn dắt và thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành kinh tế", Chính phủ tập trung nòng cốt vào nhóm doanh nghiệp này trong giai đoạn tới. Chính phủ cam kết sẽ cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương.
Ngoài ra, tái cơ cấu thị trường quyền sử dụng đất, thị trường nhân lực và thị trường khoa học và công nghệ là những trọng tâm mới trong kế hoạch những năm tiếp theo.
Ngay trong năm 2017 - 2018, Chính phủ cho biết, kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất. Theo đó, các ngân hàng thương mại yếu kém sẽ bị áp dụng các biện pháp phá sản. Tiêu chuẩn Basel II sẽ được thúc đẩy nhanh áp dụng tại các tổ chức tín dụng.
Kế thừa nhiệm vụ từ giai đoạn trước, Chính phủ kiên quyết cổ phần hóa, chú trọng thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp một các cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt.
Chính phủ cho biết, giai đoạn tới sẽ tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp, danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực nước. Khi đó, tài sản thương mại và cơ hội kinh doanh sẽ được chuyển cho khu vực tư nhân. Vốn đầu tư thu từ quá trình này sẽ được đầu tư phát triển hạ tầng và các chức năng khác của Nhà nước.
Theo tính toán của Chính phủ, nguồn lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế dự kiến khoảng 10.567.000 tỉ đồng theo giá thực tế.
Tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu quan điểm, cần thiết phải thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong 5 năm tới trong báo cáo thẩm tra về kế hoạch trên. Ủy ban này cho rằng, Chính phủ quy định cụ thể việc “cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý ở mức cụ thể là từ 2-3% so với mức lạm phát”, “dự trữ ngoại hối khoảng 4-5 tháng nhập khẩu” là khó khả thi, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế và không trình Quốc hội nội dung này.
Ngoài ra, Ủy ban cũng đề xuất với Chính phủ cân nhắc về phương án cơ cấu lại cả cơ quan quản lý là Ngân hàng nhà nước và Ủy ban Chứng khoán nhà nước trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.