Chevrolet Captiva - nhiều điểm đáng tiếc cho mẫu xe Mỹ
Chevrolet Captiva là một cái tên có lẽ đã quá quen thuộc với người Việt. Từ những năm 2008, đây là mẫu xe khai sinh ra khái niệm crossover tại Việt Nam. Trước đó, người ta chỉ biết tới những chiếc xe gầm cao với khung gầm rời, nặng nề và ít phù hợp với đô thị.
Tuy vậy, nhiều điểm yếu từ thế hệ đầu tiên đã khiến cho Captiva nhanh chóng hụt hơi trong cuộc đua với các mẫu crossover Hàn Quốc và dần mất hút khi sau này, thị trường crossover cỡ nhỏ và cận trung có thêm sự góp mặt của các mẫu xe Nhật Bản như Mazda CX-5 hay Honda CR-V.
Chevrolet Captiva phiên bản nâng cấp, không có thay đổi gì từ năm 2013 tới nay. |
Phiên bản nâng cấp giữa chu kỳ ra mắt vào năm 2011 có vẻ như không giúp cho hãng xe Mỹ cứu vãn được tình hình. Dù mang tới nhiều nâng cấp, nhưng khung gầm cũ và hình dáng tổng thể vẫn không thay đổi khiến người ta mau chóng liên tưởng tới một chiếc Captiva nặng nề, tốn xăng và khá nhàm chán như phiên bản cũ.
Nhưng thực tế trải nghiệm, chiếc crossover này mang tới cho chúng tôi nhiều ấn tượng tốt. Giá bán không cao, sự chắc chắn và mượt mà trong vận hành, cùng nhiều yếu tố công nghệ khiến cho Captiva không thực sự thua kém khi đứng cạnh các đối thủ, nếu xét tới quãng thời gian trước khi CX-5 2018 và CR-V 2018 ra mắt.
Ngoại hình bề thế và trang bị tốt
Chi tiết thay đổi, nhưng về tổng thể, Chevrolet Captiva vẫn giữ nguyên phom dáng trong suốt 11 năm qua. Đây chính là yếu điểm "chết người" của chiếc crossover Mỹ. Tuy vậy, đó cũng lại là lợi thế của Captiva khi cạnh tranh ở thị trường Việt Nam - nơi người ta dễ đánh đồng những chiếc xe to lớn với khái niệm "đắt tiền".
Trục cơ sở chỉ đạt 2.707 mm, tức là dài hơn Mazda CX-5 cũ khoảng 7 mm, nhưng Captiva lại có kích thước tổng thể lên tới 4.673 x 1.868 x 1.756 mm, tức là dài hơn 13 cm, rộng hơn 2 cm và cao hơn 8 cm so với mẫu xe đối thủ đến từ Nhật.
Captiva có lẽ là mộ trong những mẫu xe "lười" thay đổi nhất trên thị trường. |
Điều này mang tới một không gian thoáng đãng hơn cho mẫu xe có thiết kế 5+2 và cũng đồng thời tạo ra một bất lợi lớn: bán kính quay đầu lên tới 5,8 mét - ngang với Toyota Fortuner.
Những đường nét hầm hố, cứng cáp và hiện đại cũng dễ dàng tạo ra khác biệt giữa Captiva phiên bản nâng cấp và Captiva cũ, nhưng đó vẫn chưa đủ để "thổi hồn" cho mẫu crossover Mỹ.
Về mặt trang bị, hàng loạt chi tiết có thể coi là "đắt tiền", có thể điểm ra trên Captiva bao gồm: cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi xe, cảnh báo áp suất từng lốp, cảnh báo điểm mù trên gương, hệ thống treo sau cân bằng tự động (tự động hạ thấp đầu xe khi tải trọng dồn nặng phía đuôi), gương chiếu hậu chống chói tự động, đèn chiếu sáng và gạt mưa tự động, hệ thống rửa đèn, chìa khóa thông minh, khởi động nút bấm và cửa sổ trời.
Rửa đèn - option có thể nói là "hạng sang" vào thời điểm Chevrolet Captiva bản nâng cấp ra mắt. |
Cũng cần lưu ý rằng, phiên bản nâng cấp của Captiva được ra mắt ở Việt Nam từ năm 2013. Tại thời điểm đó, với những trang bị kể trên, chiếc xe Mỹ có thể coi là vượt trội trong phân khúc.
Động cơ cũ, nhưng vận hành êm ái trong đô thị
Động cơ 2.4 cũ vẫn được mang lên Captiva bản nâng cấp với sức mạnh chỉ 165 mã lực, đạt được tại 5.600 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 230 Nm đạt được tại 4.600 vòng/phút. Kết hợp với khối lượng khô hơn 1,8 tấn - nặng hơn các đối thủ cùng hạng khoảng 300 kg, tưởng chừng như Captiva sẽ rất nặng nề trong thành phố. Tuy vậy, trải nghiệm thực tế của xe mang đến một cái nhìn hoàn toàn khác.
Cỗ máy 4 xi-lanh thẳng hàng kết hợp với hộp số tự động 6 cấp giúp xe lăn bánh mượt mà và nhẹ nhàng. Cách âm của khoang động cơ thực sự tốt, giúp những pha chuyển số ở 2.000 vòng/phút không hề tạo ra sự khó chịu cho cabin xe.
Captiva vận hành nhẹ nhàng, khá đối lập với ngoại hình nặng nề của xe. |
Dưới 60 km/h, Captiva đáp ứng nhu cầu tăng tốc của người lái không hề vất vả, dù chân ga vẫn trễ khoảng 1 giây như nhiều mẫu xe phổ thông khác.
Những gờ nổi, mố cầu chưa phải thử thách với thân xe của chiếc xe khá nặng nề này. Đồng thời khả năng cách âm cũng có thể nói là ấn tượng. Tiếng gió, tiếng lốp, tiếng động cơ và tiếng đá dăm dưới mặt đường hầu như không lọt vào khoang xe. Captiva vào cua ở vận tốc khoảng 40 km/h không gọn gàng, nhưng thân xe chắc chắn và ổn định.
Xe dài và cột A dày là bất lợi chính cho Captiva trong đô thị. |
Dù có ngoại hình bề thế, vị trí ngồi không cao và cột A lớn cũng là điểm yếu khiến cho việc vận hành Captiva trong đô thị có phần vất vả hơn các đối thủ nhỏ gọn, như Mazda CX-5.
Không quá nặng nề ở đường trường
Giữ cho mẫu xe Mỹ lăn bánh đều ở 60 km/h, chúng tôi vẫn chưa thể nghe thấy tiếng ồn vọng vào rõ ràng. Và ở vận tốc tương đối cao, khả năng vọt lên của Captiva cũng đã kém đi. Đáp ứng lại những cú đạp thốc ga, kim chỉ động cơ chạy lên khoảng hơn 5.000 vòng/phút rồi xe mới rùng mình lao đi. Tiếng động cơ lúc này đã rõ ràng hơn trong khoang xe.
Chevrolet Captiva có khả năng cách âm tốt, ngay cả ở vận tốc cao. |
Đều ga ở 80 km/h, chúng tôi vẫn đánh giá cao khả năng cách âm của Captiva khi chỉ có chút ít tiếng gió 2 bên thành xe vọng vào, tiếng mặt đường chưa đáng kể. Vô-lăng trợ lực điện không quá nhẹ và tạo được phần nào đó độ dơ, giúp người lái kiểm soát xe tốt hơn ngay cả khi chuyển làn gấp tại vận tốc cao.
Thân xe dài, bán kính quay đầu lớn, khiến cho những cú vào cua ở vận tốc cao khá nguy hiểm dù hệ thống cân bằng điện tử hoạt động giữ cho xe khá cân bằng. Khung xe không hề xoắn vặn với cú vào cua gấp ở khoảng 60 km/h.
Hệ thống treo chắc chắn, khung gầm cứng cáp mang tới một hiệu ứng "mang hơi hướng Đức". Xe lao qua gờ giảm tốc ở vận tốc 90 km/h với những tiếng "kịch" gọn ghẽ. Vô-lăng không mất nhiều kiểm soát như một số mẫu xe Nhật.
Xe không "bay" ở vận tốc cao, một phần nhờ khối lượng nặng hơn các đối thủ khoảng 300 kg. |
Sau một quá trình thử nghiệm tương đối dài với các cung đường hỗn hợp, Chevrolet Captiva có mức tiêu hao nhiên liệu (đồng hồ trong xe báo) là khoảng hơn 10 lít xăng/100 km - không quá tốn như "lời đồn" nhưng cũng là một mức báo tệ so với nhiều mẫu động cơ hiện đại hơn đang có mặt trên thị trường hiện nay.
Cơ hội nào cho Captiva?
Không giành được cảm tình của thị trường ngay từ khi Mazda CX-5 hay Honda CR-V còn đang ở phiên bản cũ, 2 phiên bản mới của 2 mẫu xe ăn khách vừa ra mắt sẽ càng khiến cho Chevrolet Captiva khó khăn hơn.
Dù không phải một mẫu xe tệ, có lẽ lời giải thích hợp nhất cho hãng xe Mỹ ở thời điểm hiện tại là "chiêu bài" đã được các hãng xe ồ ạt áp dụng từ đầu năm: giảm giá.
Một số hình ảnh khác của Chevrolet Captiva phiên bản nâng cấp
Ô tô hạng sang cũ lao đao vì 'bão' xe bình dân
Liên tục giảm giá và ra mắt hàng loạt mẫu xe mới, hấp dẫn hơn, xe bình dân đã dần dần hút khách của thị ... |
6 lựa chọn ôtô cũ giá 100 triệu đồng tại Việt Nam
Với 100 triệu đồng, nếu biết lựa chọn và không quá quan tâm đến hình thức, bạn vẫn có thể sở hữu nhiều mẫu xe ... |