Chệnh lệch mức sống ở Trung Quốc hơn 46.000 USD
Mã Hóa Đằng trở thành người giàu nhất Trung Quốc | |
Thành tỷ phú USD nhờ 'cơn lốc' mua sắm của du khách Trung Quốc |
Trung Quốc không phải là một khối kinh tế thống nhất và đồng đều. Trong khi người dân ở Thượng Hải hay Bắc Kinh có đời sống gần như người Thụy Sỹ, với thu nhập rất cao thì nhiều nơi khác tại đất nước này có điều kiện tương đồng với Guatemala.
Khả năng kinh tế của 31 vùng lãnh thổ đất liền của Trung Quốc khá khác biệt. Từ vùng vành đai sắt ở đông bắc đến vùng nông nghiệp ở trung tâm, các khu kiểu Silicon Valley mọc lên để hỗ trợ cho các tập đoàn như Alibaba, Tencent, Huawei.
Sự chênh lệch lớn này khiến cư dân ở một số khu vực tiên tiến sống trong môi trường của một thế giới phát triển. Họ lái những chiếc ôtô điện êm ái trên đường phố, bị bủa vây bởi những quảng cáo bằng công nghệ nhận dạng hình ảnh. Trên khắp Trung Quốc, gần một tỷ người mua sắm và thành toán bằng các ứng dụng điện thoại. Ở một thái cực khác, ở những vùng nông thôn, người dân phải tự lấy nước bằng tay từ giếng.
"Sự phát triển ở một số thành phố lớn có thể tương đồng với bất kỳ nơi nào trên thế giới nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Một số khu vực nội địa và thậm chí là dọc theo bờ biển đang bị bỏ lại phía sau khỏi quá trình đô thị hóa và nâng cao thu nhập", Qian Wan - Nhà nghiên cứu của Bloomberg Economics nhận xét.
Người dân đánh cờ trong công viên Fuxing (Thượng Hải). Ảnh: Bloomberg |
Hai thành phố lớn nhất là Thượng Hải và Bắc Kinh đang có thu nhập bình quân đầu người trên 53.000 USD mỗi năm, thấp hơn Thụy Sỹ và Mỹ về con số tuyệt đối nhưng đã cùng cấp độ. Theo phân tích của Bloomberg, ở cấp độ này, vài quận của hai thành phố trên có thể xếp vào nhóm 10 quốc gia dân số dưới 3 triệu người có thu nhập đầu người cao nhất.
Thượng Hải là trung tâm tài chính lớn nhất trong khi Bắc Kinh là thủ đô nên mức độ tập trung cao và hưởng lợi nhiều từ các chính sách của chính phủ. Hai thành phố này có các trường đại học tốt nhất, những công việc được trả lương cao nhất và phát triển cơ sở hạ tầng vũ bão.
Hai thập kỷ gần đây, lao động nói chung và công nhân tay nghề cao kéo về hai thành phố này chấp nhận điều kiện của một "công dân hạng hai". Việc nhập hộ khẩu rất khó và hầu hết là "hukou", nghĩa là họ không được tiếp cận đầy đủ các quyền của người dân chính thức cũng như ưu đãi về giáo dục.
"Ở một số nơi thì nông dân có thể chuyển lên thành thị sống hoàn toàn. Tuy nhiên, tại một số nơi thuộc hai thành phố ưu tú như Thượng Hải và Bắc Kinh, người dân không muốn những đứa trẻ nhập cư học cùng trường với con cái họ", John Giles - Chuyên gia kinh tế của World Bank nói.
Giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng đang là một trong "ba trận đánh lớn" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, các chính sách giúp người dân Cam Túc thu nhập gần hơn người Thượng Hải sẽ giúp toàn bộ nền kinh tế phát triển bền vững.
"Trong khi thế hệ di cư đầu tiên đổ xô đến nhiều thành phố ven biển và cao cấp hơn, nhiều người di cư hiện đang chọn sống trong tỉnh nhà của họ", Hyde Chen - một nhà phân tích của UBS AG (Hong Kong) nhận xét.
Chen cho biết, kinh nghiệm từ các nền kinh tế khác cho thấy chênh lệch thu nhập hộ gia đình các khu vực giàu - nghèo ở Trung Quốc sẽ thu hẹp qua thời gian. Tốc độ này đang diễn ra khá nhanh. Khoảng cách thu nhập giữa các thành phố cấp thấp và các thành phố cấp 1 thu hẹp từ 56% năm 2005 xuống còn 46% vào năm 2017.
Chỉ mới 10 năm trước, hàng chục công nhân Quý Châu cộng lại mới bằng thu nhập một người Thượng Hải. Đến năm 2017, khoảng cách đã giảm một nửa.
Các tỉnh Quý Châu và Vân Nam ở phía nam hay Cam Túc ở phía bắc có thu nhập bình quân đầu người dưới 10.000 USD vào năm ngoái, đồng hạng với Ukraine, El Salvador và Guatemala. Nhưng với dân số 110 triệu người - tương đương Nhật Bản - ba tỉnh này có tiềm năng lớn.
"Trong một vài năm tới, bạn sẽ có 600 triệu khách hàng trung lưu ở Trung Quốc", Scott Maw - Giám đốc tài chính của Starbucks nhận xét khi đầu tư vào các vùng trồng cà phê ở Vân Nam.
Tỷ lệ đô thị hóa ở Trung Quốc hiện là 59%. Tỉnh đông dân nhất là Quảng Đông đang có tỷ lệ đô thị hóa 70%. Trong khi đó, tỷ lệ đô thị hóa ở một số nước như Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ lần lượt là 82%, 50% và 33%.
"Các động lực đằng sau sự thay đổi này có thể bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng và mạng lưới giao thông, hội nhập kinh tế tốt hơn, các sáng kiến của những nhà hoạch định chính sách để tái cân bằng phát triển khu vực", Chen nói.