|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Châu Á quan sát NAFTA để 'tính' số phận TPP

20:59 | 20/05/2017
Chia sẻ
Các quốc gia châu Á đang theo dõi sát sao số phận của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) khi mà Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt tiến trình xem xét lại hiệp định này. Thông qua đây, các quốc gia châu Á có thể “tính” số phận của TPP.
chau a quan sat nafta de tinh so phan tpp
Các quốc gia châu Á đang quan sát kỹ quan điểm của Mỹ về thương mại toàn cầu. (Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn/ CNN)

Các quốc gia châu Á đang theo dõi sát sao số phận của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) khi mà Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt tiến trình xem xét lại hiệp định này. Thông qua đây, các quốc gia châu Á có thể “tính” số phận của TPP.

“Tất cả chúng tôi đang rất muốn biết liệu Mỹ có cam kết để có một môi trường thương mại tự do và cởi mở hay không”, Bộ trưởng Thương mại Malaysia, Mustapa Mohamed nói với Bloomberg vào ngày thứ 6 (19-5) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội.

Mustapa cho biết các bộ trưởng đang muốn lắng nghe ý kiến từ Đại diện Thương mại Mỹ mới, ông Robert Lighthizer. "Trong cuộc họp đầu tiên này, điều đầu tiên là cần làm rõ về chủ nghĩa bảo hộ. Khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” là gì và và nó sẽ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào”, ông nói.

Chính phủ Mỹ đã thông báo tới Quốc hội Mỹ vào thứ 5 (18-5) về việc thương lượng lại Hiệp định NAFTA. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Donald Trump đã gọi thỏa thuận với Mexico và Canada là "thảm họa", lấy đi hàng triệu công ăn việc làm của Mỹ; phá hủy ngành sản xuất tại nước này khi các công ty Mỹ đổ xô ra nước ngoài đầu tư để tận dụng nguồn lực giá rẻ. Cách đây vài tuần, ông Trump còn cân nhắc tới việc có nên rút hoàn toàn khỏi NAFTA hay không.

Ông Trump cũng cho biết ông dự định thương lượng lại một số thỏa thuận thương mại song phương với các nước châu Á bao gồm Hàn Quốc. Và một trong những hành động đầu tiên của ông với tư cách là tổng thống, là đưa Mỹ ra khỏi một Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 quốc gia.

Hiệp định TPP bao gồm 40% nền kinh tế toàn cầu. Dưới quan điểm của chính quyền tiền nhiệm của ông Obama, đây được coi là hiệp định bao gồm Mỹ với các quốc gia châu Á và là đối trọng trước một nền kinh tế Trung Quốc đang lớn mạnh cả về kinh tế và chính trị.

Sẽ có một cuộc họp phụ tại Hà Nội bao gồm 11 quốc gia còn lại trong Hiệp định TPP, với các nước như Nhật Bản và Úc, nhằm đẩy mạnh tiến trình đàm phán TPP mà không có Mỹ.

Ông Mustapa cho biết, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia và hiện không có bất kỳ một thỏa thuận thương mại song phương nào giữa hai nước. Vì vậy, Malaysia đã kém mặn mà hơn để tiếp tục đàm phán TPP, song ông Mustapa cho hay, Malaysia vẫn muốn làm rõ vai trò của Mỹ trong TPP.

“Các quốc gia thành viên TPP vẫn quan tâm đến hiệp định này, tất nhiên mức độ quan tâm khác nhau giữa các quốc gia", ông nói. "Một số quốc gia vẫn còn rất nhiệt tình tham gia”.

“Một trong những lý do mà chúng tôi quyết định tham gia TPP là tiềm năng tiếp cận thị trường Mỹ và nếu không có Mỹ thì động lực chính để trở thành thành viên của TPP của chúng tôi biến mất”.

Tiến trình hoàn tất TPP mà không có Mỹ đòi hỏi thay đổi đáng kể một số điều khoản. Theo đó, tối thiểu 6 quốc gia, chiếm khoảng 85% tổng sản phẩm quốc nội của tất cả các quốc gia thành viên còn lại, phê chuẩn hiệp định. Mỹ chiếm khoảng 60%.

Ông Mustapa cho biết nếu các nước còn lại muốn tiếp tục thực hiện hiệp định thì cần phải đàm phán lại. “Trong trường hợp này, TPP sẽ trừ quan điểm của chúng tôi bởi vì nó (TPP) không còn là hiệp định mà các quốc gia đã thống nhất ở Auckland (New Zealand) vào tháng 2-2016”, ông Mustapa nói.

Tuy nhiên, vị Bộ trưởng Thương mại Malaysia cho hay, các bộ trưởng đang tập trung vào Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership). Hiệp định này bao gồm 16 quốc gia, có cả Trung Quốc, Ấn Độ nhưng không bao gồm Mỹ.

Một số quốc gia trong RCEP đang đẩy mạnh việc đạt được thỏa thuận về RCEP trong năm nay.

“Các nhà lãnh đạo đã thống nhất rằng, liên quan tới vấn đề này (RCEP), các bộ trưởng nên làm việc nhiều hơn để đi đến thống nhất vào cuối năm 2017”, ông Mustapa nói. Tuy nhiên, để đạt được điều đó vẫn còn một số trở ngại như: mức độ tham vọng giữa các quốc gia về thỏa thuận này còn khác nhau; trình độ phát triển giữa các quốc gia cũng khác nhau và một số vấn đề nhạy cảm như di cư tự do….

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita cho biết, quan điểm về thương mại toàn cầu nói chung vẫn tốt và không có dấu hiệu nào cho thấy quan điểm bảo hộ từ cuộc họp. Ông bổ sung RCEP sẽ được thảo luận và các bộ trưởng “hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay”.

Trúc Diễm

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.