Châu Á giữa làn đạn chiến tranh thương mại
Các chuyên gia dự báo tác động dây chuyền nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ Reuters |
Khác biệt lớn
Phái đoàn đàm phán thương mại của Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đã kết thúc hai ngày làm việc (3 - 4.5) với các quan chức cấp cao của Trung Quốc tại Bắc Kinh. Cuộc đối thoại lần này là động thái đầu tiên của hai bên nhằm tìm kiếm giải pháp sau những căng thẳng gần đây khi Mỹ và Trung Quốc liên tiếp công bố kế hoạch đánh thuế nhắm vào nhau, gây nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại. Tân Hoa xã mô tả cuộc đối thoại “mang tính xây dựng, thẳng thắn và hiệu quả”, nhưng “hai bên thừa nhận vẫn còn những khác biệt to lớn về một số vấn đề”.
Theo Reuters, phía Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc giảm thâm hụt thương mại (375 tỉ USD trong năm 2017) xuống còn 200 tỉ USD vào năm 2020, hạ thuế xuống thấp hơn hoặc bằng với thuế suất mà Mỹ áp dụng lên hàng hóa Trung Quốc cùng một số đề xuất khác.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong chuyến công tác đến Trung Quốc ngày 3.5 |
Quả bom chùm
Việc Mỹ và Trung Quốc chưa thể giải quyết bất đồng đồng nghĩa nguy cơ về cuộc chiến tranh thương mại vẫn còn hiển hiện và theo giới quan sát, những tác động của nó là cực kỳ kinh khủng. Cuộc chiến này được ví như “quả bom chùm”, gây thiệt hại nặng cho ngành xuất khẩu, công nghệ, sản xuất, sản phẩm tiêu dùng đối với các nền kinh tế trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan, Hồng Kông, theo trang Asia Times.
Số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (trụ sở tại Pháp) cho thấy tính đến năm 2011, thiết bị và vật liệu thô từ các nước khác chiếm 1/3 giá trị một sản phẩm mà Trung Quốc chế tạo và xuất khẩu. Mỗi năm, các công ty Trung Quốc nhập khẩu hơn 200 tỉ USD vi mạch và phần lớn từ các nước Đông Bắc Á. Do đó, ngành công nghiệp sản xuất thiết bị bán dẫn của các nền kinh tế như Nhật Bản, Đài Loan hay Hàn Quốc sẽ gặp ảnh hưởng nặng nếu Mỹ đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Vụ trưởng Tài chính Hồng Kông Trần Mậu Ba thì cảnh báo 1/5 việc làm tại đặc khu này sẽ bị tác động nếu Mỹ đánh thuế các mặt hàng như pin năng lượng mặt trời, máy giặt, thép và nhôm của Trung Quốc.
“Nếu các biện pháp bảo hộ mậu dịch được áp dụng ở quy mô lớn và lâu dài lên nền thương mại toàn cầu, các nền kinh tế có ngành thương mại là chủ lực như Đài Loan, Hàn Quốc hay Malaysia sẽ chịu ảnh hưởng”, chuyên gia Marie Diron của Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s dự báo.
Phát biểu tại thủ đô Washington D.C về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ chắc chắn sẽ có phản ứng liên quan sau khi nghe báo cáo kết quả. Bên cạnh đó, ông nói đặc biệt tôn trọng Chủ tịch Tập Cận Bình. “Vì thế mà chúng tôi rất tử tế, vì chúng tôi có mối quan hệ rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi cần mang lại sự công bằng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và chúng tôi sẽ làm vậy”, ông Trump tuyên bố. |